Nghị định số 07/2021/NĐ-CP: Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025

18/02/2021
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn nghèo quy định tại Khoản 1 Điều này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2021.
Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025
Tiêu chí thu nhập
- Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.
- Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
- Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025
Chuẩn hộ nghèo
- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ cận nghèo
- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn hộ có mức sống trung bình
- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.
- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình quy định tại Khoản 2 Điều này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.
Bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa
Chính phủ  cũng đã ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, trong đó quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa.
Trong đó, về bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, xác định và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án.
Tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và bảo vệ môi trường.
Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hợp đồng đã ký với chủ dự án.
Nhà thầu tư vấn quan trắc, giám sát môi trường phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chịu trách nhiệm trước chủ dự án, trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường.
Bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa
Nghị định cũng quy định cụ thể về bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa. Theo đó, người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa kinh doanh xăng dầu; bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến.
Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý theo yêu cầu trong hồ sơ được duyệt; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
Thu gom, phân loại, lưu giữ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến để xử lý hoặc thuê tổ chức có chức năng xử lý chất thải để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ; niêm yết, cung cấp danh sách tổ chức có chức năng xử lý chất thải nguy hại để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ phương tiện tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ.
Giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; bố trí cách ly và bảo đảm khoảng cách an toàn trong tiếp nhận, lưu kho hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa dễ cháy nổ theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi và phá dỡ phương tiện; bảo vệ môi trường đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa.