Nghị định số 142/2020/NĐ-CP: Điều kiện sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ

18/12/2020
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, trong đó quy định điều kiện sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/2/2021.
Thông tư quy định:
Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này phải có Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, trừ các công việc liên quan đến: Thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ được miễn trừ khai báo, cấp giấy phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Miễn trừ khai báo, cấp giấy phép; Sử dụng hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ.
Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Năng lượng nguyên tử phải có Giấy phép xây dựng cơ sở bức xạ trước khi xây dựng, cải tạo, mở rộng phòng đặt thiết bị, trừ các cơ sở sau: Cơ sở vận hành thiết bị chiếu xạ có cơ cấu tự che chắn theo thiết kế của nhà sản xuất; Cơ sở vận hành máy gia tốc sử dụng di động để soi chiếu kiểm tra hàng hóa.
Trước khi chấm dứt hoạt động, các cơ sở bức xạ sau phải có Giấy phép chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ: Cơ sở chiếu xạ công nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ; Cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ; Các cơ sở bức xạ khác có tạo ra chất thải phóng xạ trong quá trình tiến hành công việc bức xạ.
 Tổ chức, cá nhân chỉ được cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 75 của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định tại Chương II của Nghị định này.
Sau 30 ngày kể từ khi tiếp nhận nguồn phóng xạ, thiết bị có gắn nguồn phóng xạ mà chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng, Giấy phép vận hành hoặc chưa chuyển giao, chuyển nhượng thì cơ sở tiếp nhận phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lưu giữ tạm thời nguồn phóng xạ.
Tổ chức, cá nhân có chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nếu tự xử lý, lưu giữ thì phải có Giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Yêu cầu này không áp dụng đối với kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, cơ sở xử lý, lưu giữ tập trung chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này phải có Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ chức và Chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân.
Tổ chức chỉ được cấp Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử khi đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 69 của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định tại Chương III của Nghị định này.
Tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định này phải là doanh nghiệp hoặc tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập, đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
Cá nhân chỉ được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định tại Chương III của Nghị định này.
Việc sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ đảm bảo điều kiện
Nhân lực:

Nhân viên bức xạ phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ; có Giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ và có Chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 28 của Luật Năng lượng nguyên tử.
Có người phụ trách an toàn, trừ trường hợp cơ sở chỉ sử dụng thiết bị X-quang chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng, thiết bị phát tia X trong phân tích huỳnh quang tia X và thiết bị soi bo mạch. Người phụ trách an toàn phải có Chứng chỉ nhân viên bức xạ và được bổ nhiệm bằng văn bản trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn theo khoản 2 Điều 27 của Luật Năng lượng nguyên tử.
Trường hợp vận hành thiết bị xạ trị từ xa: Có ít nhất 01 nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa cho mỗi thiết bị.
Trường hợp vận hành thiết bị xạ trị áp sát: Có ít nhất 01 nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa cho mỗi cơ sở bức xạ.
Bảo đảm an toàn, an ninh:
Trường hợp vận hành thiết bị chiếu xạ phải có thiết bị đo suất liều chiếu xạ xách tay; khóa liên động tại cửa ra vào phòng đặt thiết bị chiếu xạ; hệ thống cho phép dừng khẩn cấp quá trình chiếu xạ trong phòng đặt thiết bị chiếu xạ và phòng điều khiển; trường hợp vận hành thiết bị chiếu xạ công nghiệp còn phải có thêm thiết bị theo dõi suất liều chiếu xạ được lắp đặt cố định bên trong và bên ngoài phòng chiếu xạ; trường hợp vận hành thiết bị chiếu xạ, sử dụng thiết bị bức xạ trong y tế phải có: Nội quy an toàn bức xạ trong đó chỉ rõ các yêu cầu bảo vệ an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ, các nhân viên y tế khác, người bệnh, người chăm sóc, hỗ trợ người bệnh và công chúng; Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị bức xạ còn hiệu lực;...
Cũng theo Nghị định này, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải đảm bảo: Thông tin trong hồ sơ phải chính xác. Các loại văn bằng, chứng chỉ hoặc các loại giấy tờ khác có quy định thời hạn phải còn hiệu lực ít nhất 45 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận; trường hợp bản sao không được công chứng, chứng thực hoặc được sao y từ bản gốc, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân xuất trình hoặc gửi bản chính để đối chiếu; trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành đồng thời nhiều công việc bức xạ cùng một thời điểm các thành phần hồ sơ giống nhau chỉ cần nộp 01 bản cho tất cả các loại công việc bức xạ.