Nghị định số 141/2020/NĐ-CP: Chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số

03/12/2020
Chính phủ đã ban hành số Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/01/2021.

Nghị định này quy định chế độ cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số, bao gồm: đối tượng, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy trình, đào tạo và kinh phí thực hiện chế độ cử tuyển; xét tuyển, bố trí việc làm, bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người học cử tuyển và tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển.
Người học là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển gồm:
Người dân tộc thiểu số rất ít người.
Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Quyền và nghĩa vụ của theo học chế độ cử tuyển
Người học theo chế độ cử tuyển có những quyền sau đây:
Được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển;
Được cấp học bổng, miễn học phí và hường các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo;
Được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Người học theo chế độ cử tuyển có những nghĩa vụ sau đây:
Cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cứ đi học trở về làm việc tại địa phương sau khi tốt nghiệp;
Chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
Bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 dưới đây.
Trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
Người học theo chế độ cử tuyển thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo:
Người tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học, trừ các trường hợp tự thôi học do bất khả kháng.
Người không chấp hành việc xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp theo cam kết.
Người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều động ít hơn hai lần thời gian dược hưởng học bổng và chi phí đào tạo.
Người bị kỷ luật thôi việc trong thời gian đang chấp hành nghĩa vụ làm việc theo sự điều động.
Thông tư quy định rõ: Chậm nhất trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học cử tuyển có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn. Chi phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách. Trường hợp người học không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bồi hoàn có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
Tiêu chuẩn tuyển sinh
Nghị định quy định rõ tiêu chuẩn chung của tuyển sinh. Theo đó, người học được cử tuyển phải thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển; không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.
Ngoài tiêu chuẩn chung quy định ở trên, người học được cử tuyển vào đại học phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Tốt nghiệp trung học phổ thông; Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt; 3- Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên;  Có thời gian học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.
Ngoài tiêu chuẩn chung, người học được cử tuyển vào cao đẳng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Tốt nghiệp trung học phổ thông; Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt; Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên; Có thời gian học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.
Ngoài tiêu chuẩn chung, người học được cử tuyển vào trung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông; xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học cuối đạt loại khá trở lên; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên; có thời gian học đủ 04 năm học và tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.
Các trường hợp được ưu tiên trong cử tuyển
Nghị định nêu rõ người học đạt đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển ở trên nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được ưu tiên trong cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo thứ tự:
Con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh;
Học tại trường phổ thông dân tộc nội trú;
Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp tại năm xét đi học cử tuyển;
Đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên;
Trường hợp người học thuộc đối tượng được hưởng nhiều ưu tiên đồng thời thì chỉ được hưởng một ưu tiên cao nhất trong tuyển sinh cử tuyển.
Huỳnh Lê - THADS