Quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện

11/09/2020
Ngày 09 tháng 9 năm 2020, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 22/2020/TT-BCT quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Theo đó,Thông tư này quy định các điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện; trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện trong hoạt động điện lực. Đối tượng áp dụng theo Thông tư gồm: Đơn vị phân phối điện; Đơn vị phân phối và bán lẻ điện; Khách hàng sử dụng điện; Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện
Thông tư quy định, mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải thông báo trước cho bên mua điện, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Điện lực và Điều 6 Thông tư này.
Nội dung thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện bao gồm: Địa điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện; mức công suất giảm hoặc khả năng cung cấp tối đa trong trường hợp giảm mức cung cấp điện; Lý do ngừng, giảm mức cung cấp điện; Thời gian bắt đầu ngừng, giảm mức cung cấp điện; Thời điểm dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.
Người của bên bán điện ký thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện phải là một trong những người sau: Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của bên bán điện; Người giữ chức danh được ủy quyền ký thông báo ngừng, giảm cung cấp điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
Thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện được thực hiện bằng một trong các hình thức: văn bản, điện báo, điện thoại, fax, tin nhắn (SMS), thư điện tử (email), các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức liên lạc khác do hai bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng mua bán điện.
 Ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp
Bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp trong các trường hợp sau: Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hoà, hạn chế phụ tải do thiếu nguồn điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch; Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình.; Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.
Ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp
Bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong các trường hợp sau: Có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được; Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện; Hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện; Có sự kiện bất khả kháng.
Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật
Thông tư quy định, bên bán điện được ngừng cấp điện trong các trường hợp sau:
Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại: Các khoản 1, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều 7 Luật Điện lực (Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện); Điểm a và điểm b khoản 2 Điều 46; điểm b và điểm c khoản 2 Điều 47 Luật Điện lực.
Bên mua điện không thực hiện thanh toán tiền điện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sau đây viết tắt là Nghị định số 134/2013/NĐ-CP).
Bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp
Trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày, bằng hình thức cụ thể như sau: Gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông báo bằng hình thức khác đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện cho khách hàng có sản lượng mua điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết; Thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đối với các khách hàng còn lại. Trong đó thời điểm thông báo đầu tiên phải đảm bảo trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày.
Sau khi thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện có trách nhiệm tiến hành ngừng, giảm mức cung cấp điện theo đúng nội dung đã thông báo. Trường hợp không thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện theo nội dung đã thông báo, bên bán điện có trách nhiệm thông báo lại cho bên mua điện trước thời điểm ngừng, giảm cung cấp điện đã thông báo ít nhất 24 giờ.
Trường hợp bên mua điện có đề nghị thay đổi thời gian ngừng, giảm mức cung cấp điện đã được thông báo thì phải trao đối với bên bán điện trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 48 giờ. Bên bán điện có trách nhiệm xem xét, giải quyết đề nghị của bên mua điện, cụ thể như sau: Trường hợp không thể thay đổi việc ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện vẫn được ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch nhưng phải thông báo lại cho bên mua điện và nêu rõ lý do trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện đã thông báo ít nhất 24 giờ; Trường hợp chấp nhận thay đổi thời gian ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải thông báo trước cho bên mua điện trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện đã thông báo ít nhất 24 giờ.
Sau khi tiến hành ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải ghi đầy đủ thời gian, nội dung, trình tự thao tác ngừng, giảm mức cung cấp điện vào sổ nhật ký công tác hoặc nhật ký vận hành.
Bên bán điện phải cấp điện trở lại theo đúng thời hạn đã thông báo. Trường hợp thời gian cấp điện trở lại bị chậm so với thời gian đã thông báo từ 01 giờ trở lên, bên bán điện phải thông báo cho khách hàng có sản lượng mua điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết thời gian cấp điện trở lại bằng điện thoại hoặc hình thức thông báo khác do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điêu 5 Thông tư này, trình tự ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này chỉ tiến hành sau khi bên yêu cầu ngừng cấp điện đã thanh toán đủ cho bên bán điện các chi phí liên quan đến việc ngừng và cấp điện trở lại.
Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp
Khi xảy ra một trong các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư này, bên bán điện có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, sau đó thực hiện các công việc sau: Xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, thời gian dự kiến cấp điện trở lại; Thông báo cho bên mua điện biết theo hình thức thông báo đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện, bao gồm các nội dung quy định trên trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp; Bên bán điện phải ghi đầy đủ thời gian, nguyên nhân, trình tự thao tác ngừng, giảm mức cung cấp điện vào sổ nhật ký công tác hoặc nhật ký vận hành; Trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện, bên bán điện phải đảm bảo thực hiện cắt, giảm đúng lượng công suất phụ tải được tính toán và phân bổ theo quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện; Phối hợp với các bên có liên quan khẩn trương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp để cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất.
Trình tự ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật
Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này: Trường hợp bên mua điện thực hiện hành vi quy định tại khoản 6 Điêu 7 Luật Điện lực (hành vi trộm cắp điện), bên bán điện được ngừng cấp điện ngay sau khi Biên bản vi phạm hành chính được lập theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP; Trường hợp bên mua điện thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 7 và khoản 8 Điều 7 Luật Điện lực, nếu mức độ vi phạm chưa đến mức phải ngừng cấp điện khẩn cấp thì sau khi Biên bản vi phạm hành chính được lập theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, bên bán điện có trách nhiệm gửi thông báo ngừng cấp điện cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ. Nếu quá thời hạn này mà bên mua điện không chấm dứt hành vi vi phạm và không tiến hành khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra theo yêu cầu của bên bán điện thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện theo nội dung đã thông báo; Trường hợp bên mua điện vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện và phải thông báo cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này: Trường hợp không có thỏa thuận lùi ngày thanh toán tiền điện và bên mua điện đã được bên bán điện thông báo về việc thanh toán tiền điện 02 (hai) lần thì sau 15 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện; Trường hợp bên mua điện có đề nghị thoả thuận và được bên bán điện đồng ý lùi ngày thanh toán tiền điện, nếu quá thời hạn thoả thuận lùi ngày thanh toán tiền điện mà bên mua điện vẫn chưa thanh toán đủ tiền điện và cả tiền lãi của khoản tiền điện chậm trả (nếu có), bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện; Khi thực hiện ngừng cấp điện, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ và không phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này: Bên bán điện phải thông báo ngừng cấp điện cho bên mua trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ và nêu rõ lý do ngừng cấp điện. Sau khi ngừng cấp điện, bên bán điện phải thông báo bằng văn bản về việc ngừng cấp điện cho cơ quan nhà nước có yêu cầu ngừng cấp điện.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này: Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện và phải thông báo cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ.
Việc cấp điện trở lại chỉ được tiến hành trong các trường hợp sau: Bên mua điện đã thực hiện đày đủ quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đã chấm dứt hành vi vi phạm, đã tiến hành khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và đã thanh toán đầy đủ chi phí ngừng và cấp điện trở lại cho bên bán điện đối với trường hợp ngừng cấp điện theo quy định; Thanh toán đầy đủ tiền điện và tiền lãi của khoản tiền điện chậm trả (nếu có) hoặc đã thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện các thỏa thuận khác trong hợp đồng mua bán điện và chi phí ngừng và cấp điện trở lại cho bên bán điện đối với trường hợp ngừng cấp điện theo quy định; Có yêu cầu cấp điện trở lại bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và bên mua điện đã thanh toán đầy đủ chi phí ngừng và cấp điện trở lại cho bên bán điện đối với trường hợp ngừng cấp điện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư này; Bên mua điện đã thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng và đã thanh toán đầy đủ chi phí ngừng và cấp điện trở lại cho bên bán điện đối với trường hợp ngừng cấp điện theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư này.