Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự

02/09/2020
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2020/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự.

Thông tư này quy định chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự và các nội dung khác có liên quan áp dụng cho các đơn vị quy định tại Điều 2 Thông tư này để hạch toán kế toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến thi hành án dân sự, bao gồm: Tiền, tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án theo từng quyết định thi hành án; Tình hình quản lý tiền, tài sản, vật chứng; Tình hình thanh toán trong nội bộ và bên ngoài của các cơ quan Thi hành án dân sự và các hoạt động khác giao cho kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự thực hiện theo quy định.
Thông tư này áp dụng cho các đơn vị gồm:Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Cục Thi hành án dân sự); Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Chi cục Thi hành án dân sự); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Kiểm kê tài sản
Về kiểm kê tài sản, Thông tư quy định:
 Các cơ quan Thi hành án dân sự phải kiểm kê định kỳ và kiểm kê bất thường để xác định số tiền quỹ có trong kết, tài sản, vật chứng bảo quản trong kho đảm bảo khớp đúng với số liệu ghi trong sổ kế toán tại thời điểm kiểm kê. Trường hợp kết quả kiểm kê có chênh lệch với sổ kế toán thì phải kiểm tra, rà soát, tìm nguyên nhân và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý số chênh lệch đó, nếu thiếu thì phải quy trách nhiệm vật chất để xử lý. Căn cứ vào ý kiến xử lý chênh lệch kết quả kiểm kê, kế toán tiến hành điều chỉnh lại sổ kế toán để đảm bảo cho số liệu trên sổ kế toán khớp đúng với số thực tế.
Kiểm kê định kỳ: Thực hiện định kỳ vào cuối quý và cuối niên độ kế toán trước khi lập báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự.
Kiểm kê bất thường: Đơn vị phải tiến hành kiểm kê bất thường trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, bàn giao, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách đơn vị, các sự cố bất thường khác và theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhiệm vụ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Thông tư quy định nhiệm vụ kế toán tại Cục và Chi cục Thi hành án dân sự như sau:
a) Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán của hoạt động thi hành án dân sự và tình hình quản lý tiền, tài sản, vật chứng trong quá trình thi hành án của đơn vị. Mở sổ kế toán, ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo đúng quy định.
b) Kiểm tra, giám sát các khoản thu của các đối tượng; các khoản chi trả, hoàn trả cho các đối tượng; các khoản nộp ngân sách nhà nước; tình hình nhập, xuất quỹ, tình hình quản lý tài sản tạm giữ, vật chứng trong quá trình thi hành án; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính kế toán trong thi hành án dân sự.
c) Theo dõi, giám sát và quản lý các khoản thu về thi hành án do các trại giam thực hiện.
d) Định kỳ hàng tháng, quý, năm đối chiếu chi tiết sổ thu - chi, nhập - xuất tiền và tài sản giữa sổ kế toán với từng hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên (nếu có phát sinh) để có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm những tồn đọng hoặc chênh lệch phát sinh theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, tài chính và thi hành án dân sự. Đối với hồ sơ thi hành án xong phải đối chiếu trước khi duyệt đưa hồ sơ vào lưu trữ.
đ) Lập, nộp đúng hạn, đầy đủ các báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự, báo cáo tài chính theo quy định; Đối với Cục Thi hành án dân sự ngoài việc lập báo cáo phát sinh tại tỉnh, còn phải tổng hợp số liệu và lập báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự toàn tỉnh gửi cho Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.
e) Phân tích thông tin, số liệu kế toán về thi hành án nhằm giúp cho Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan quản lý cấp trên nắm được tình hình quản lý tiền, tài sản, vật chứng cũng như hoạt động thi hành án của đơn vị.
g) Cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện chế độ tài chính, kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự ở các đơn vị trực thuộc.
Thông tư quy định nhiệm vụ của kế toán tại Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp như sau:
a) Hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự đối với các cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới.
b) Tổng hợp báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự của các Cục Thi hành án dân sự để báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp.
c) Phân tích thông tin, số liệu kế toán về thi hành án nhằm giúp cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp nắm được tình hình hoạt động và kết quả hoạt động thu - chi thi hành án dân sự trong toàn hệ thống.
Khi thay đổi Kế toán, Kế toán trưởng, Thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền đối với hoạt động kế toán nghiệp vụ thi hành án thì đơn vị phải tổ chức việc bàn giao theo quy định. Kết thúc bàn giao phải lập biên bản bàn giao, trong biên bản bàn giao phải ghi đầy đủ tình hình tài chính của hoạt động nghiệp vụ thi hành án, gồm: Các khoản tiền mặt còn tồn quỹ, tiền còn gửi tại Ngân hàng, Kho bạc; số tiền đã thu phải trả, đã trả, còn phải trả cho người được thi hành án theo từng quyết định thi hành án; số tiền đã nộp ngân sách, các khoản đã thu, đã chi về thi hành án theo từng quyết định thi hành án. Phải thực hiện bàn giao những công việc kế toán còn phải giải quyết tiếp và toàn bộ tài liệu kế toán liên quan đến nghiệp vụ thu, chi thi hành án của từng quyết định thi hành án. Biên bản bàn giao phải có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan và có chứng kiến của Thủ trưởng đơn vị.
Trách nhiệm của Chấp hành viên
Phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc, chế độ, thủ tục liên quan đến các hoạt động thu, chi, nhập, xuất tiền và tài sản thi hành án. Lập và cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu có liên quan đến việc thanh toán, xử lý các khoản tiền, tài sản trong quá trình thi hành án với người được thi hành án, người phải thi hành án và các đối tượng khác có liên quan cho kế toán theo quy định tại Thông tư này và văn bản pháp luật có liên quan. Chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực, hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ, tài liệu đã cung cấp; số liệu ghi trên hồ sơ, chứng từ chuyển cho kế toán ghi sổ.
Nộp đầy đủ, kịp thời các khoản tiền, tài sản thu được của từng quyết định thi hành án vào quỹ tiền mặt, kho của cơ quan hoặc nộp vào Kho bạc nhà nước theo quy định; Được quyền yêu cầu kế toán thực hiện chi trả cho những đối tượng được thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý các khoản tiền, tài sản tồn đọng theo quy định của pháp luật với Thủ trưởng đơn vị.
Định kỳ hàng tháng, quý, năm phải đối chiếu về thu, chi trong hoạt động thi hành án với kế toán về số tiền, tài sản thu, chi, tồn quỹ hoặc nhập, xuất, tồn kho của từng quyết định thi hành án (nếu có phát sinh), đảm bảo thống nhất về số liệu báo cáo kết quả hoạt động thi hành án với số liệu kế toán. Trường hợp có chênh lệch về số liệu giữa các báo cáo phải tìm nguyên nhân và có biện pháp giải quyết số chênh lệch đó theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hành vi trái pháp luật mà mình gây ra.
4. Không bố trí Chấp hành viên có quan hệ gia đình ruột thịt với người làm Kế toán trưởng trong cùng cơ quan Thi hành án. Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn cụ thể nội dung này.
Huỳnh Lê