Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp

14/07/2020
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2020/TT-BTC ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp.

Thông tư này hướng dẫn mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ làm cơ sở cho các đơn vị tham chiếu trong việc xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp.
Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ gồm: Công ty niêm yết; Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Các doanh nghiệp không thuộc quy định trên được khuyến khích xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ trên cơ sở tham chiếu mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2020.
Quy chế mẫu gồm 4 Chương 30 Điều gồm Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, phạm vi kiểm toán, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, phương pháp, quy trình, trách nhiệm… Một số nội dung đáng lưu như:
Mục tiêu của kiểm toán nội bộ
Mục tiêu của kiểm toán nội bộ là thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra các đảm bảo mang tính độc lập, khách quan và các kiến nghị về các nội dung sau đây:
Hệ thống kiểm soát nội bộ của (tên doanh nghiệp) đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của (tên doanh nghiệp);
Các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của (tên doanh nghiệp) đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao;
Các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà (tên doanh nghiệp) đạt được.
Phạm vi của kiểm toán nội bộ
Thứ nhất: Đưa ra đảm bảo thông qua việc kiểm tra và đánh giá tính đầy đủ và hiệu quả của quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ nhằm giúp nhằm giúp (tên doanh nghiệp) đạt được các mục tiêu chiến lược, hoạt động, tuân thủ và tài chính:
Theo dõi và đánh giá các quy trình quản trị.
Theo dõi và đánh giá hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro của doanh nghiệp.
Đánh giá rủi ro liên quan đến việc đạt được các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
Đánh giá các hệ thống được thiết lập để đảm bảo tuân thủ các chính sách, kế hoạch, thủ tục, luật pháp, chế độ tài chính, kế toán và quy định có thể có tác động đáng kể đến doanh nghiệp. Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt.
Đánh giá các phương tiện bảo vệ tài sản và xác minh sự hiện hữu của các tài sản đó khi cần.
Báo cáo các rủi ro đáng kể và các vấn đề kiểm soát bao gồm rủi ro gian lận, vấn đề quản trị và các vấn đề khác cần thiết hoặc theo yêu cầu của Ban Giám đốc và Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty (hoặc Ủy ban kiểm toán hoặc một cơ quan/bộ phận trực thuộc được ủy quyền (nếu có) bởi Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty).
Thứ hai: Đưa ra các phân tích chuyên sâu và các kiến nghị dựa trên đánh giá dữ liệu và các quy trình của doanh nghiệp:
Đánh giá độ tin cậy và tính toàn vẹn của hệ thống thông tin quản lý và các phương tiện được sử dụng để xác định, đo lường, phân loại và báo cáo thông tin đó.
Phân tích các hoạt động hoặc chương trình để xác định kết quả có phù hợp với mục tiêu và mục đích đã thiết lập không.
Đánh giá các hoạt động hoặc chương trình có được thực hiện theo kế hoạch không.
Đánh giá hiệu quả và hiệu suất sử dụng các nguồn lực.
Thứ ba: Đưa ra các tư vấn, kiến nghị một cách độc lập khách quan: Thực hiện các hoạt động tư vấn liên quan đến quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ phù hợp với (tên doanh nghiệp).
Thứ tư: Thực hiện kiểm toán trước: được thực hiện trước khi diễn ra việc thực hiện các dự án, chương trình kế hoạch hoạt động của bộ phận/đơn vị được kiểm toán, nhằm đánh giá độ tin cậy của các thông tin, tài liệu, tính kinh tế, tính khả thi và hiệu quả của dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động; giúp các cấp quản lý có được những thông tin tin cậy để đưa ra các quyết định.
Thứ năm: Thực hiện kiểm toán đồng thời: được thực hiện trong khi việc thực hiện các dự án, chương trình kế hoạch hoạt động của bộ phận/đơn vị được kiểm toán đang diễn ra, nhằm đánh giá tiến độ, chất lượng quá trình thực hiện hoạt động; phát hiện và kiến nghị kịp thời các biện pháp sửa chữa những sai lệch, thiếu sót, yếu kém trong quá trình thực hiện dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất các mục tiêu của dự án, kế hoạch của bộ phận/đơn vị được kiểm toán.
Thứ sáu: Thực hiện kiểm toán sau: được thực hiện sau khi việc thực hiện dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động của bộ phận/đơn vị được kiểm toán đã hoàn thành, nhằm thực hiện các nội dung, mục tiêu kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với hoạt động của bộ phận/đơn vị được kiểm toán.
Thứ bảy: Tư vấn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn, kiểm soát sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ tám: Báo cáo định kỳ về mục đích, quyền hạn, trách nhiệm và hiệu suất của bộ phận kiểm toán nội bộ liên quan đến kế hoạch của bộ phận.
Thứ chín: Kiểm tra và đánh giá các hoạt động cụ thể theo yêu cầu của Ban Giám đốc và Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty (hoặc Ủy ban kiểm toán hoặc một cơ quan/bộ phận trực thuộc được ủy quyền (nếu có) bởi Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty).
Thứ mười: Tùy thuộc vào đối tượng kiểm toán, khi lập kế hoạch kiểm toán nội bộ có thể kết hợp cả kiểm toán trước, kiểm toán đồng thời và kiểm toán sau.
Nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ
Tính độc lập:
Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ. Kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo và đánh giá.
Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được tham gia kiểm toán các hoạt động và các bộ phận/đơn vị mà người làm công tác kiểm toán nội bộ đó chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận/đơn vị đó trong vòng 03 năm gần nhất.
Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được tham gia kiểm toán các hoạt động và các bộ phận/đơn vị mà người có liên quan của người làm công tác kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận/đơn vị đó.
Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.
Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ.
Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ
Tính chính trực: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính thận trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của kiểm toán nội bộ; không tham gia các hoạt động phi pháp làm tổn hại đến uy tín của (tên doanh nghiệp).
Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm toán. Người làm công tác kiểm toán nội bộ được đưa ra các đánh giá khách quan về tất cả các tình huống liên quan và không bị ảnh hưởng chi phối từ các lợi ích cá nhân hoặc từ bất kỳ ai trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận.
Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm công tác kiểm toán nội bộ áp dụng các kiến thức, các kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong công tác kiểm toán nội bộ. Đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực chuyên môn và kỹ thuật được áp dụng.
Tính bảo mật: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu của các thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp.
Tư cách nghề nghiệp: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp.
Người phụ trách kiểm toán nội bộ phải có biện pháp theo dõi, đánh giá, quản lý nhằm đảm bảo người làm công tác kiểm toán nội bộ tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.
Trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác kiểm toán nội bộ
Người làm công tác kiểm toán nội bộ có trách nhiệm:
Thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;
Xác định các thông tin đầy đủ, tin cậy, phù hợp và hữu ích cho việc thực hiện các mục tiêu kiểm toán;
Căn cứ vào các phân tích và đánh giá phù hợp để đưa ra kết luận và các kết quả kiểm toán một cách độc lập, khách quan;
Lưu các thông tin liên quan để hỗ trợ các kết luận và đưa ra kết quả kiểm toán;
Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán được giao thực hiện;
Bảo mật thông tin theo đúng quy định của pháp luật;
Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp;
Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Quy chế kiểm toán nội bộ của (tên doanh nghiệp).
Người làm công tác kiểm toán nội bộ có quyền hạn:
Trong khi thực hiện kiểm toán có quyền độc lập trong việc nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán;
Có quyền yêu cầu bộ phận/đơn vị được kiểm toán cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu, thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán;
Bảo lưu ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công;
Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Quy chế kiểm toán nội bộ của (tên doanh nghiệp).