Mức thu, nộp phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm; trồng trọt, lâm nghiệp; vụ việc cạnh tranh

15/06/2020
Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư số 49/2020/TT-BTC, Thông tư số 56/2020/TT-BTC và Thông tư số 58/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí trong một số lĩnh vực.

Thông tư số 49/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm
Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân khi yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển nộp phí như sau:
Kể từ ngày có hiệu lực của Thông tư này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020: Trường hợp yêu cầu cơ quan, đơn vị thực hiện các công việc đăng ký giao dịch bảo đảm nộp phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Thông tư số 202/2016/TT-BTC) và 80% mức thu phí quy định tại Điểm c, đ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC (sau đây gọi là Thông tư số 113/2017/TT-BTC). Trường hợp yêu cầu cơ quan, đơn vị thực hiện cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển nộp phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC. Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này, không nộp phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển theo quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1; Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC và Điểm c, đ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, nộp phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển theo quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1; Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC và Điểm c, đ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020. Các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; người nộp, tổ chức thu phí; kê khai, nộp phí; quản lý, sử dụng phí; chứng từ thu, công khai chế độ thu phí và các nội dung khác liên quan không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 202/2016/TT-BTC.
Thông tư số 56/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp
Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện nộp lệ phí như sau: Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định tại Mục I Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 207/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp (sau đây gọi là Thông tư số 207/2016/TT-BTC). Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này, không nộp lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp theo mức thu quy định tại Mục I Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 207/2016/TT-BTC. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, nộp lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp theo mức thu quy định tại Mục I Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 207/2016/TT-BTC.
Tổ chức, cá nhân khi nộp đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ giống cây trồng (duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng) thực hiện nộp phí như sau: Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020: Trường hợp duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng từ năm thứ 1 đến năm thứ 9, nộp phí bằng 80% mức thu quy định tại Điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 207/2016/TT-BTC; Trường hợp duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng từ năm thứ 10 đến hết thời gian hiệu lực của Bằng bảo hộ, nộp phí bằng 70% mức thu quy định tại Điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 207/2016/TT-BTC. Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này, không nộp phí bảo hộ giống cây trồng đối với trường hợp duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo mức phí quy định tại Điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 207/2016/TT-BTC. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, nộp phí bảo hộ giống cây trồng đối với trường hợp duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo mức thu quy định tại Điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 207/2016/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020. Các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, người nộp, tổ chức thu, mức thu, kê khai, nộp phí, lệ phí; quản lý, sử dụng phí; chứng từ thu, công khai chế độ thu phí, lệ phí và các nội dung khác liên quan không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 207/2016/TT-BTC.
Thông tư số 58/2020/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh
Theo đó, Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh, gồm: phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh. Thông tư áp dụng đối với: Tổ chức, cá nhân khi được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh; Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Người nộp phí theo quy định tại Thông tư này bao gồm: Người có yêu cầu độc lập tham gia trong các vụ việc cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 72 Luật Cạnh tranh; Người nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định tại Điều 16 Luật Cạnh tranh.
Thông tư quy định, tổ chức thu phí là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia).
Mức phí áp dụng kể từ ngày có hiệu lực của Thông tư này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 như sau: Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 5.000.000 đồng/vụ việc; Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 25.000.000 đồng/hồ sơ.
Mức thu phí áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi như sau: Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 10.000.000 đồng/vụ việc; Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 50.000.000 đồng/hồ sơ.
Thông tư nêu rõ, người nộp phí thực hiện nộp phí như sau: Khi có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người có yêu cầu độc lập phải nộp tạm ứng 100% mức phí theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này. Người có yêu cầu độc lập phải chịu phí đối với yêu cầu độc lập của họ nếu yêu cầu đó không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Trường hợp được chấp nhận, người có yêu cầu độc lập được trả lại số tiền phí tạm ứng đã nộp; Khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, người nộp hồ sơ phải nộp 100% mức phí theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này và không được hoàn trả trong mọi trường hợp.
Tố chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí như sau: Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai phí theo tháng, quyết toán phí theo năm theo quy định tại khoản 3 Điều 19 và nộp phí theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
Đối với việc quản lý và sử dụng phí, Thông tư quy định:  Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí và thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ. Số tiền phí còn lại 10% phải nộp vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 7 năm 2020 và thay thế Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.