Nghị định số 75/2020/NĐ-CP: Quy định xuất, nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam

06/07/2020
Ngày 01/7, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Nghị định này quy định về việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Cấp thị thực cho người nước ngoài vào KKT cửa khẩu

Về cấp thị thực cho người nước ngoài vào KKT cửa khẩu hoặc KKT ven biển đến các địa điểm khác của Việt Nam, Nghị định quy định rõ, người nước ngoài nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển theo diện miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại Điều 19 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển theo diện miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thực hiện như sau: a- Trường hợp đã tạm trú chưa đến 15 ngày thì đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đóng dấu hết giá trị vào chứng nhận tạm trú cũ và cấp chứng nhận tạm trú mới với thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh; b-Trường hợp đã tạm trú từ 15 ngày trở lên thì thực hiện thủ tục cấp thị thực theo quy định.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nếu hết thời hạn tạm trú và có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì việc cấp thị thực thực hiện theo điều ước quốc tế.

Nghị định cũng quy định rõ hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc thị thực rời. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh không cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động.
Cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam
Nghị định quy định:
Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực truy cập Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh và thực hiện như sau:
a) Khai thông tin đề nghị cấp thị thực, tải ảnh, trang nhân thân hộ chiếu;
b) Tải giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam. Giấy tờ chứng minh phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
c) Nhận mã hồ sơ điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
 Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chuyển cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai thực hiện điều ước quốc tế.
 Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị cấp thị thực của người nước ngoài từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai thực hiện điều ước quốc tế có trách nhiệm xác định người nước ngoài thuộc hay không thuộc đối tượng quy định tại điều ước quốc tế và thực hiện như sau:
a) Trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan chủ trì thì trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
b) Trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan chủ trì thì gửi văn bản trao đổi và chuyển đề nghị cấp thị thực cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó;
c) Trường hợp người nước ngoài không thuộc đối tượng quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì trả lời cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thông báo người nước ngoài biết.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị cấp thị thực của người nước ngoài, bộ, cơ quan ngang bộ quy định tại điểm b khoản 3 Điều này có trách nhiệm trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan đề nghị cấp thị thực và thông báo cho người nước ngoài đề nghị cấp thị thực tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh.
 Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực sử dụng mã hồ sơ điện tử kiểm tra và in kết quả trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để làm thủ tục nhận thị thực theo quy định tại khoản 2 Điều 17 và Điều 18 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.