Nghị định 50/2020/NĐ-CP: Quy định về viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai

22/04/2020
Ngày 20/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Nghị định nêu rõ:
Bên viện trợ là Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức được Chính phủ nước ngoài ủy quyền, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài khác cung cấp trực tiếp viện trợ khẩn cấp không hoàn lại nhằm cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên tiếp nhận viện trợ là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam; có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của các khoản viện trợ gồm:
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Đối tượng thụ hưởng viện trợ: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.
Nguyên tắc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ
Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Không tiếp nhận những hàng hóa không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước và của Nhân dân.
Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phải thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với Bên viện trợ.
Các trường hợp Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai đối với các trường hợp sau đây:
Khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo;
Viện trợ mua sắm, cung cấp các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
Các khoản viện trợ chưa xác định cơ quan chủ quản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2020.