Quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam

25/03/2020
Ngày 23 tháng 3 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BKHĐT quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.

Theo đó, Thông tư này quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam gồm: Danh mục phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; Nội dung phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thông tư áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, sản xuất và sử dụng thông tin thống kê về các khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.
Theo Thông tư, đơn vị thể chế áp dụng trong thống kê (viết gọn là đơn vị thể chế) là một thực thể kinh tế có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia các hoạt động, các giao dịch kinh tế với các thực thể kinh tế khác. Đơn vị thể chế thường có các thuộc tính chủ yếu sau: (i) có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có thể trao đổi quyền sở hữu hàng hóa, tài sản đó thông qua các hoạt động giao dịch với các đơn vị thể chế khác; (ii) có quyền đưa ra các quyết định kinh tế, tham gia vào các hoạt động kinh tế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kinh tế của mình; (iii) có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và tham gia vào các hợp đồng kinh tế; (iv) có hệ thống tài khoản kế toán hoàn chỉnh hoặc có khả năng lập các tài khoản kế toán nếu được yêu cầu. Khu vực thể chế áp dụng trong thống kê (khu vực thể chế) là tập hợp các đơn vị thể chế có cùng chức năng, mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng đặc điểm cấu trúc, vai trò kinh tế và phương thức hoạt động. Sáu khu vực thể chế của Việt Nam gồm: Khu vực thể chế phi tài chính; Khu vực thể chế tài chính; Khu vực thể chế Nhà nước; Khu vực thể chế hộ gia đình; Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình; Khu vực thể chế không thường trú.
Thông tư quy định nguyên tắc xây dựng các khu vực thể chế của Việt Nam phải đảm bảo việc phân chia khu vực thể chế bao quát toàn bộ, đầy đủ các đơn vị thể chế của Việt Nam; Đảm bảo tính khả thi trong quá trình thu thập, tính toán các chỉ tiêu thống kê; Tránh trùng lắp: một đơn vị thể chế chỉ được xếp vào một khu vực thể chế; Phù hợp với thực tiễn công tác thống kê và đảm bảo so sánh quốc tế; Linh hoạt và thống nhất khi sắp xếp các đơn vị thể chế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thu thập, tổng hợp thông tin thống kê liên quan đến khu vực thể chế của Việt Nam bảo đảm cung cấp số liệu thống kê theo quy định của Thông tư; Hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định phân loại khu vực thể chế của Việt Nam; Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê sử dụng phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan căn cứ vào phân loại khu vực thể chế Việt Nam sản xuất, cung cấp thông tin và sử dụng thống nhất về phạm vi liên quan đến các khu vực thể chế thống kê theo quy định của Thông tư này.
Nguyên tắc phân loại đơn vị thể chế vào khu vực thể chế
Việc phân loại đơn vị thể chế vào khu vực thể chế phù hợp được căn cứ vào các nguyên tắc theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Một đơn vị thể chế chỉ được xếp vào một khu vực thể chế;
- Những đơn vị thể chế có cùng chức năng, lĩnh vực hoạt động thì được xếp vào cùng một khu vực thể chế;
- Những đơn vị thể chế có nhiều chức năng hoạt động khác nhau thì căn cứ vào chức năng hoạt động chính để xếp vào khu vực thể chế tương ứng;
- Những đơn vị thể chế có cùng tính chất về nguồn tài chính sử dụng cho hoạt động kinh tế thì được xếp vào cùng một khu vực thể chế.
Nội dung phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam
1. Khu vực thể chế phi tài chính
Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và tổ chức khác (bao gồm cả các đơn vị không vì lợi) thường trú tham gia vào các hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính để mua bán trên thị trường. Cụ thể:
Khu vực phi tài chính nhà nước
Khu vực phi tài chính ngoài nhà nước
Khu vực phi tài chính có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
2. Khu vực thể chế tài chính
Bao gồm tất cả các doanh nghiệp và đơn vị tương tự doanh nghiệp thường trú tham gia chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện cho các đơn vị thể chế khác. Cụ thể:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tổ chức nhận tiền gửi
Ngân hàng thương mại
Tổ chức nhận tiền gửi khác
Doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện
Tổ chức tài chính khác
3. Khu vực thể chế Nhà nước
Khu vực thể chế Nhà nước bao gồm các đơn vị thể chế thường trú thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước, hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quản lý và thực thi các chính sách của Nhà nước. Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thuộc cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác, các đơn vị sự nghiệp công lập không vì lợi nhuận, phi thị trường và các quỹ an sinh xã hội. Để xác định một đơn vị thể chế thuộc khu vực thể chế Nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước cần phân biệt khái niệm đơn vị sản xuất thị trường và phi thị trường.
Tiêu chí nhận dạng đơn vị thuộc khu vực thể chế Nhà nước:
- Là đơn vị thể chế thường trú;
- Có quyền sở hữu tài sản, phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia vào các hoạt động kinh tế;
- Thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước;
- Hoạt động mang tính chất phi thị trường, không vì lợi nhuận.
Khu vực thể chế Nhà nước bao gồm:
Nhà nước trung ương
Nhà nước địa phương
Quỹ an sinh xã hội
Khu vực thể chế hộ gia đình
Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình
Khu vực thể chế không thường trú
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2020.