Sửa đổi tiêu chuẩn, nhiệm vụ đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu

16/03/2020
Ngày 12 tháng 3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt.
Thông tư sửa đổi quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng dồn tại điểm c khoản 1 điều 12. Theo đó, Thông tư số 07/2020/TT-BGTVT mở rộng thêm phạm vi làm việc là: có thời gian làm việc tại trạm chỉnh bị đầu máy, toa xe thay vì làm việc ở ga như Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT. Cụ thể Thông tư số 07 quy định: “Có thời gian đảm nhận trực tiếp công việc của cả hai chức danh gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe, trong đó mỗi chức danh có thời gian làm việc tại ga, trạm chỉnh bị đầu máy, toa xe ít nhất là 02 tháng”.
Thông tư sửa đổi quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên gác ghi tại điểm a khoản 2 điều 13. Theo đó, Thông tư số 07/2020/TT-BGTVT mở rộng thêm nhiệm vụ cho nhân viên gác ghi “công việc dẫn máy, dẫn đường” thay vì chỉ thực hiện “quản lý, giám sát, kiểm tra, sử dụng ghi” như thông tư số 33/2018/TT-BGTVT. Cụ thể: “Chịu sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của trực ban chạy tàu ga để quản lý, giám sát, kiểm tra, sử dụng ghi và công việc dẫn máy, dẫn đường phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu của ga theo biểu đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, tín hiệu đường sắt, quy trình chạy tàu và công tác dồn đường sắt, quy tắc quản lý kỹ thuật ga.”
Thông tư sửa đổi quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe tại khoản 2 và 3 Điều 14. Theo đó, Thông tư số 07/2020/TT-BGTVT đã sửa đổi nhiệm vụ của nhân viên ghép đầu máy, toa xe là: “Chịu sự chỉ huy điều hành trực tiếp của trực ban chạy tàu để thực hiện công việc dẫn máy, dẫn đường và chịu sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của trưởng dồn thực hiện công việc dồn, ghép nối đầu máy, toa xe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, tín hiệu đường sắt, quy trình chạy tàu và công tác dồn đường sắt, quy tắc quản lý kỹ thuật ga; Kiểm tra các điều kiện an toàn cần thiết, phù hợp với các quy định của quy chuẩn kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan đến an toàn chạy tàu trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Theo Thông tư số 07, nhân viên ghép tàu máy, toa xe có quyền: “Tạm dừng thực hiện công việc dẫn máy và báo ngay cho trực ban chạy tàu nếu thấy chưa đủ điều kiện an toàn cần thiết; tạm dừng thực hiện kế hoạch dồn nếu thấy chưa đủ điều kiện an toàn cần thiết và báo cáo ngay cho trưởng dồn biết”.
Thông tư 07/2020/TT-BGTVT cũng đã mở rộng thêm nhiệm vụ của của lái tàu. Nếu như Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT, lái tàu có nhiệm vụ là: “Trực tiếp điều khiển tàu chạy an toàn, đúng tốc độ quy định, đúng biểu đồ chạy tàu, thực hiện mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu của nhân viên điều độ chạy tàu, quy trình vận hành khai thác, tham gia giải quyết sự cố, tai nạn giao thông trên tuyến đường sắt đô thị”, thì theo Thông tư số 07 lái tàu còn có nhiệm vụ: “Hướng dẫn, giám sát cho nhân viên thực hành lái tàu đã có bằng hoặc chứng chỉ lái tàu đường sắt đô thị và chịu trách nhiệm chính về an toàn chạy tàu trong suốt quá trình thực hiện việc hướng dẫn, giám sát.”.