Hướng dẫn thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

10/12/2019
Ngày 05 tháng 12 năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2019.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2019 (sau đây viết tắt là Đề án), bao gồm: thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án do Nhà nước hỗ trợ; công tác kế hoạch, giám sát, đánh giá, báo cáo và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Đề án. Thông tư áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trung ương, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân có liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án và nguyên tắc thực hiện
Hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo nhằm thực hiện các mục tiêu quy định tại mục I, Điều 1 của Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định 219/QĐ-TTg).
Các hoạt động của Đề án được nhà nước hỗ trợ bao gồm 03 nhóm nhiệm vụ: Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo (Sau đây gọi tắt là Nhiệm vụ 1); Xây dựng chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo (Sau đây gọi tắt là Nhiệm vụ 2); Tuyên truyền về dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam; các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Sau đây gọi tắt là Nhiệm vụ 3).
Nguyên tắc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án như sau: Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án phải xác định cụ thể từng nhiệm vụ hoặc chủ đề thông tin, tuyên truyền; nguồn kinh phí thực hiện; Đảm bảo khách quan, chính xác về nội dung thông tin; tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan; Đảm bảo bình đẳng, tôn trọng giáo lý, giáo luật, lễ nghi truyền thống của các tôn giáo; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật; Không trùng lặp nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện Đề án; không trùng với nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quản lý sản phẩm của Đề án để đảm bảo hiệu quả thông tin, tuyên truyền; Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Nội dung thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
Nội dung nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo được hỗ trợ thực hiện theo quy định tại mục 3, phần II Điều 1 Quyết định số 219/QĐ-TTg. Một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1- Tuyên truyền chính sách, pháp luật và chấp hành chính sách pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo ở các khu vực dân cư, tổ chức, vùng miền; phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện vi phạm chính sách, pháp luật;
2- Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc việt Nam trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, góp phần tăng cường phổ biến kiến thức lịch sử và những sự kiện, tấm gương điển hình về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam (nhất là cho thế hệ trẻ);
3- Tuyên truyền những giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam (nhất là đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số); phát huy thế mạnh về văn hóa, truyền thống của con người Việt Nam; giữ gìn bản sắc và phát huy nếp sống văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân cư của các dân tộc Việt Nam;
4- Tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam ra nước ngoài; về những đóng góp, sáng tạo của người Việt Nam trong cộng đồng thế giới; chú trọng hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại hợp tác quốc tế (đặc biệt với các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống);
5- Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đóng góp của các dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào việc xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam;
6- Tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó chú trọng tuyên truyền về truyền thống lịch sử yêu nước, đoàn kết, sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ sự độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; về công tác xây dựng chính sách, pháp luật và ý thức thực thi chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng trong điều kiện phát triển công nghệ, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay;
7- Tuyên truyền xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, cụ thể: Những thành quả mang tính đột phá, sáng tạo, những tấm gương, đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; về thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc: về bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước; về an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; hoạt động từ thiện; phát huy dân chủ ở cơ sở; giữ gìn bản sắc văn hóa; mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong cộng đồng và và ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với lợi ích chung của đất nước;
8- Tuyên truyền thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống;
9- Tuyên truyền về những giá trị tích cực, có ý nghĩa giáo dục của tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống xã hội thông qua giáo lý, giáo luật, lễ nghi, kiến trúc cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng truyền thống (chú trọng khai thác các chủ đề mang tính tổng hợp từ quan điểm của các tôn giáo và từ những câu chuyện, sự kiện, nhân vật, tác phẩm nghệ thuật trong lịch sử tôn giáo);
10- Phát hiện, tuyên truyền đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, như: Phản ảnh các nhận thức, biểu hiện xa rời giáo lý, giáo luật, lễ nghi truyền thống của các tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh với các hình thức lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín, trục lợi, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân;
11- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của nhân dân về các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Các hình thức thông tin, tuyên truyền
Tuyên truyền thông qua báo chí, xuất bản phẩm, trang thông tin điện tử: Tuyên truyền trên báo in, tạp chí in: Đề án hỗ trợ thực hiện các ấn phẩm, phụ trương của báo in, tạp chí in theo chủ đề thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án;
Tuyên truyền trên báo điện tử, trang thông tin điện tử: Đề án hỗ trợ sản xuất, đăng tải các tác phẩm có chủ đề thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án trên chuyên trang của báo điện tử, trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền trên báo nói, báo hình;
Hỗ trợ hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức khác (bao gồm hỗ trợ sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền phù hợp với hình thức thực hiện): Hoạt động thông tin cơ sở, coi trọng tuyên truyền thông qua người có uy tín của các dân tộc thiểu số; Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch; Tổ chức tìm hiểu theo các chủ đề cho các đối tượng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; Tổ chức các hội thảo, diễn đàn theo các chủ đề thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 01 năm 2020.