Thông tư số 18/2019/TT-BLĐTBXH: Một số chế độ cho vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu

08/11/2019
Ngày 08 tháng 11 năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Thông tư này hướng dẫn thực hiện về tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
 Theo đó, huấn luyện viên, vận động viên ốm đau, thai sản trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thì được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.
Huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thì được hưởng các chế độ như sau:
a) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên thực hiện các chế độ theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP, cụ thể:
Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị;
Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định, gồm: thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không có trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với huấn luyện viên, vận động viên không tham gia bảo hiểm y tế;
Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên bồi thường hoặc trợ cấp và giới thiệu giám định y khoa theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 38, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 Nghị định này; được cơ quan sử dụng vận động viên hỗ trợ 01 lần bằng tiền bằng với mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định này bị tai nạn lao động;
Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động như đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Huấn luyện viên, vận động viên không được hưởng chế độ từ cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên hoặc cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên nếu bị tai nạn lao động thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc bị chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động khi tập huấn, thi đấu thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp một lần bằng mười lần mức lương cơ sở và thân nhân của huấn luyện viên, vận động viên được hưởng hỗ trợ một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng mà huấn luyện viên, vận động viên bị chết do cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chi trả.
b) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trả đủ tiền lương, tiền hỗ trợ quy định tại Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP khi phải nghỉ tập huấn, thi đấu trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Trường hợp hết thời gian tập huấn, thi đấu mà huấn luyện viên, vận động viên vẫn phải tiếp tục nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong thời gian tập huấn, thi đấu thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên tiếp tục trả đủ tiền lương, tiền hỗ trợ quy định tại Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP cho huấn luyện viên, vận động viên cho đến khi điều trị ổn định, nhưng tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cách tính tiền lương, tiền hỗ trợ trả cho huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian nghỉ điều trị phục hồi chức năng được thực hiện như trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 12 năm 2019. Riêng các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 24 tháng 12 năm 2018 (ngày Nghị định số 152/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).