Sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác tàng thư căn cước công dân

07/10/2019
Ngày 01 tháng 10 năm 2019, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 39/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2016/TT-BCA ngày 03 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác tàng thư căn cước công dân.

Theo đó, Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 10/2016/TT-BCA quy định Tổng cục Cảnh sát chủ trì phối hợp với Cục Tài chính, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Kế hoạch và đầu tư và các đơn vị có liên quan báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt kinh phí thường xuyên bảo đảm cho hoạt động công tác tàng thư căn cước công dân. Theo Thông tư số 39/2019/TT-BCA thì nhiệm vụ này được sửa đổi, bổ sung như sau: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì, phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính, các đơn vị có liên quan báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt kinh phí thường xuyên bảo đảm cho hoạt động công tác tàng thư căn cước công dân.
Về hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong tàng thư căn cước công dân, cũng được sửa đổi, bổ sung như sau:
Hồ sơ, tài liệu về công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân gồm: Tờ khai Căn cước công dân; Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân; Phiếu chuyển hồ sơ Căn cước công dân (nếu có); Phiếu điều chỉnh Thông tin Căn cước công dân (nếu có); Các tài liệu về công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và các tài liệu khác có liên quan.
Hồ sơ, tài liệu Chứng minh nhân dân 9 số: Tờ khai Chứng minh nhân dân; Chỉ bản Chứng minh nhân dân; Thẻ điều chỉnh tờ khai Chứng minh nhân dân (nếu có); Phiếu chuyển hồ sơ Chứng minh nhân dân (nếu có); Các tài liệu về công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân và các tài liệu khác có liên quan.
Hồ sơ, tài liệu Chứng minh nhân dân 12 số: Tờ khai Chứng minh nhân dân; Thẻ điều chỉnh tờ khai Chứng minh nhân dân (nếu có); Phiếu chuyển hồ sơ Chứng minh nhân dân (nếu có); Các tài liệu về công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân và các tài liệu khác có liên quan.”
Quy định về chuyển giao hồ sơ, tài liệu về căn cước công dân được sửa đổi, bổ sung như sau:
Trường hợp công dân đã được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân chuyển nơi thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được Phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu do cơ quan đăng ký, quản lý cư trú gửi đến, cơ quan quản lý tàng thư căn cước công dân nơi công dân chuyển đi có trách nhiệm chuyển bản chính (lưu lại bản sao) hồ sơ, tài liệu về căn cước công dân cho cơ quan quản lý tàng thư căn cước công dân nơi công dân chuyển đến thường trú.
Trường hợp công dân được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại Trung tâm Căn cước công dân quốc gia thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc tại địa phương không phải nơi công dân đăng ký thường trú thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cơ quan cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm chuyển bản chính (lưu lại bản sao) hồ sơ, tài liệu về căn cước công dân cho cơ quan quản lý tàng thư căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú.”
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 10/2016/TT-BCA, thì công dân thay đổi nơi thường trú sẽ thực hiện điều chỉnh, bổ sung thông tin về căn cước công dân trong tàng thư căn cước công dân. Thông tư số 39/2019/TT-BCA đã bổ sung thêm trường hợp “thay đổi địa giới hành chính, đường phố, số nhà”, tức là khi công dân thay đổi nơi thường trú hoặc trường hợp thay đổi địa giới hành chính, đường phố, số nhà thì sẽ phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung thông tin về căn cước công dân trong tàng thư căn cước công dân.
Về thẩm quyền phê duyệt yêu cầu tra cứu, khai thác thông tin, tài liệu trong tàng thư căn cước công dân, Thông tư số 39/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung như sau: “Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phê duyệt yêu cầu tra cứu, khai thác, cung cấp thông tin, tài liệu trong tàng thư căn cước công dân trong phạm vi toàn quốc và yêu cầu của cơ quan, tổ chức nước ngoài khi được lãnh đạo Bộ Công an ủy quyền.”
Về thời gian trả lời các yêu cầu tra cứu, khai thác thông tin, tài liệu trong tàng thư căn cước công dân quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 10/2016/TT-BCA được sửa đổi như sau: Trường hợp yêu cầu tra cứu, khai thác thông tin, tài liệu để phục vụ việc cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân thì thời hạn để cơ quan quản lý tàng thư căn cước công dân thực hiện việc tra cứu và trả lời kết quả được quy định như sau:
Đối với việc tra cứu phục vụ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân: Trường hợp cơ quan yêu cầu tra cứu ở quận, thành phố, thị xã thì không quá 1,5 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu; Trường hợp cơ quan yêu cầu tra cứu ở các huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo thì không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu; Trường hợp cơ quan yêu cầu tra cứu ở các khu vực còn lại thì không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu.
Đối với việc tra cứu phục vụ cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân: Trường hợp cơ quan yêu cầu tra cứu ở quận, thành phố, thị xã thì không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu đối với trường hợp tra cứu phục vụ cho việc cấp mới và đổi Chứng minh nhân dân; không quá 07 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu đối với trường hợp cấp lại Chứng minh nhân dân; Trường hợp cơ quan yêu cầu tra cứu ở các huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo thì không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu; Trường hợp cơ quan yêu cầu tra cứu ở các khu vực còn lại thì không quá 07 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu.”
Thông tư số 39/2019/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung trách nhiệm  của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội như sau: Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tàng thư căn cước công dân; Hướng dẫn việc quản lý, khai thác, sử dụng tàng thư căn cước công dân và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tàng thư căn cước công dân; Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tàng thư; Phối hợp Cục Kế hoạch và tài chính và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu xây dựng đề án trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tàng thư căn cước công dân; Nghiên cứu xây dựng, thực hiện dự án điện tử hóa hồ sơ, tài liệu trong tàng thư căn cước công dân; Chỉ đạo khai thác có hiệu quả tàng thư căn cước công dân phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của ngành, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về căn cước công dân quy định tại khoản 1 Điều 18, Thông tư số 10/2016/TT-BCA được sửa đổi như sau: Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú gửi cơ quan quản lý tàng thư căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú Phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu khi công dân có sự thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu để bổ sung, điều chỉnh thông tin trong tàng thư căn cước công dân.”
Ngoài ra,Thông tư số 39/2019/TT-BCA cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Cục Hồ sơ nghiệp vụ như sau: Cục Hồ sơ nghiệp vụ phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ và lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện quét ảnh tờ khai Chứng minh nhân dân 09 số; chỉ đạo cơ quan quản lý Hồ sơ nghiệp vụ các cấp kết nối, trao đổi thông tin Dữ liệu điện tử ảnh tờ khai Chứng minh nhân dân 09 số cho cơ quan quản lý tàng thư căn cước công dân các cấp để phục vụ công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân và phòng, chống tội phạm.”
Về trách nhiệm thi hành: Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 11 năm 2019.