Vai trò của Luật tiếp cận thông tin đến đời sống kinh tế - xã hội

31/10/2018
Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016 tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội. Luật tiếp cận thông tin ra đời đã thể hóa được chủ trương, chính sách của Đảng về “mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người”; “tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp”, “bảo đảm quyền được thông tin” của công dân. Đồng thời cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp về công nhân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật có tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội.


Việc tăng cường và mở rộng thông tin cũng có nghĩa là tăng cường và nâng cao tri thức, có thể đem đến những chuyển biến cơ bản trong việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Thông tin công khai, minh bạch còn giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cho mình kế hoạch đầu tư dài hạn, tin tưởng vào kế hoạch kinh doanh. Các doanh nghiệp dược bình đẳng trong việc khai thác những thông tin về quy hoạch, chính sách thuế để lập kế hoạch đầu tư dài hạn. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kinh doanh và các rủi ro khi đầu tư, từ đó thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm nhiều hơn. Tăng cường tiếp cận thông tin cũng đồng thời giảm cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tăng tỷ số doanh thu của doanh nghiệp, tăng đầu tư có chất lượng cao. Như vậy, việc ban hành Luật sẽ là tiền đề cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên vì các hoạt động đầu tư chủ yếu dựa vào tính ổn định, sự minh bạch và thông tin thị trường, giảm tham nhũng. Theo đó, nếu việc tiếp cận thông tin được tốt hơn thì sẽ thúc đầy đầu tư hơn, kinh tế tăng trưởng ổn định hơn.  
Từ cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả từ công chúng tới các hoạt động của cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính, qua đó, các cơ quan này cũng sẽ hoạt động có hiệu quả và trách nhiệm hơn. Trên cơ sở được biết thông tin người dân mới kịp thời kiến nghị lên cơ quan nhà nước để hoàn thiện chính sách pháp luật. Việc phản hồi từ phía người dân sẽ giúp các cơ quan nhà nước cân nhắc, lựa chọn và đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với lòng dân, tăng cường hiệu quả chính sách. Cơ chế thông tin hai chiều giữa Nhà nước và công dân sẽ giúp cho việc quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả hơn, tăng tính trách nhiệm của công dân cũng như của các cơ quan công quyền.
Với việc chia sẻ thông tin, các công dân, tổ chức có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu, điều tra để tránh lãng phí ngân sách nhà nước, chi phí của tư nhân cũng như chi phí của các tổ chức xã hội khác, tiết kiệm các nguồn lực xã hội. Việc minh bạch hoạt động của các cơ quan công quyền giúp cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát hiệu quả hơn. Việc minh bạch hóa và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ làm giảm các chi phí tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật đối với cả các cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân nhờ tạo được một nguồn thông tin duy nhất, bảo đảm độ tin cậy, qua đó cũng làm giảm kiện tụng do nhầm lẫn. 
 Một lợi ích khác là nếu tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ làm giảm tham nhũng và sẽ có ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. 
Doanh nghiệp và người dân không phải mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm văn bản; giảm rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ giảm rủi ro phát sinh từ việc nhầm lẫn và không chắc chắn về các nghĩa vụ pháp lý liên quan; các rủi ro đối với người dân cũng giảm; giảm chi phí kiện tụng; chi phí nghiên cứu pháp lý đối với doanh nghiệp; giảm vi phạm pháp luật. Việc tiếp cận thông tin dễ dàng sẽ khắc phục những thiệt hại, các chi phí cho người dân và chi phí cơ hội cho doanh nghiệp (ví dụ, nếu biết rõ quy hoạch xây dựng thì người dân, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn kém, thiệt hại khi xây dựng các công trình, nhà ở...). 
Luật tiếp cận thông tin cũng làm cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân: việc người dân có đầy đủ các nguồn thông tin giúp họ đóng vai trò chủ động hơn trong xã hội và đóng góp cho nhà nước và phát triển. Người dân cũng tin tưởng hơn vào Nhà nước và sẵn sàng, chủ động đóng góp xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật. Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cũng đồng thời bảo đảm sự công bằng, tăng lòng tin của người dân đối với Nhà nướ. Thông qua việc lắng nghe ý kiến phản hồi từ công chúng, mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân còn được củng cố và tăng cường. 
Luật tiếp cận thông tin cũng tác động tích cực đến sự tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Việc tiếp cận đầy đủ thông tin sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thi hành văn bản của mọi đối tượng trong xã hội. Văn bản pháp luật sẽ được thực thi và tuân thủ tốt hơn. Sự nhầm lẫn và không chắc chắn về thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước  (trong đó có pháp luật) sẽ làm tăng sự không tuân thủ, giảm lợi ích của các chính sách công được đưa ra nhằm bảo vệ môi trường, con người. Do đó, cung cấp thông tin đầy đủ sẽ làm giảm cấp độ không tuân thủ pháp luật. Nhờ biết đầy đủ thông tin, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí tuân thủ quy định vì họ đã có thời gian để chuẩn bị các điều kiện thi hành văn bản. Ngoài ra, khi người dân có nhiều thông tin sẽ nâng cao hiểu biết và nhận thức, người dân cũng tự giác thực hiện chính sách, pháp luật hơn.