Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư (Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2018). Theo đó, Nghị định số 137/2018/NĐ-CP đã giữ nguyên 38 điều, bổ sung 5 điều, sửa đổi 6 điều và bãi bỏ 01 điều. Cụ thể như sau:
1. Bổ sung quy định về người không đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư:
1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không đủ tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư:
a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức mà quyết định kỷ luật chưa chấm dứt hiệu lực hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực; đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác, quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ nhưng chưa hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hành chính;
b) Đã bị xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự hoặc có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về một trong các hành vi liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia; ứng xử, phát ngôn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tham gia, lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người để gây rối trật tự công cộng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định tại điểm b, d, e, g, i hoặc k khoản 1 Điều 9 của Luật luật sư; vi phạm pháp luật khác do cố ý đã bị xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên.
2. Người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà quyết định kỷ luật đã chấm dứt hiệu lực hoặc đã hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hành chính hoặc người bị kết án về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà đã được xóa án tích và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này nếu có văn bản giải trình, cam kết về quá trình phấn đấu về việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc cuối cùng của người đó trước thời điểm đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú thì được coi là đã sửa chữa, rèn luyện và đáp ứng tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư.
2. Bổ sung quy định về miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư:
1. Người thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 và Điều 16 của Luật luật sư được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
2. Người đã bị xử lý hình sự hoặc xử lý kỷ luật đến mức bị cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên; tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; tước học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật hoặc đã bị thu hồi quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật thì không được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 và Điều 16 của Luật luật sư.
3. Bổ sung quy định về bãi nhiệm thành viên Ban chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư:
1. Thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; xâm hại lợi ích của Đoàn luật sư;
b) Không chấp hành yêu cầu, quy định, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư sau khi được nhắc nhở bằng văn bản;
c) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Chủ nhiệm Đoàn luật sư bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết nhiệm kỳ mà không điều hành Ban Chủ nhiệm tổ chức Đại hội, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
c) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm, báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn luật sư theo quy định của Luật luật sư trong 02 năm liên tục; không gửi các quy định, quyết định, nghị quyết liên quan đến việc tổ chức Đại hội của Đoàn luật sư cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc Đại hội.
3. Trong trường hợp tất cả thành viên Ban chủ nhiệm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc Chủ nhiệm Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban tổ chức Đại hội, sau khi có văn bản thống nhất ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ban tổ chức Đại hội có nhiệm vụ tổ chức Đại hội Đoàn luật sư để thực hiện việc bãi nhiệm, bầu mới, bầu bổ sung hoặc bầu thay thế và thực hiện các nhiệm vụ khác theo Đề án tổ chức Đại hội đã được phê duyệt.
4. Bổ sung quy định về phối hợp xây dựng Đề án Đại hội nhiệm kỳ, Đề án Đại hội bất thường, phương án xây dựng nhân sự bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam:
1. Chậm nhất 60 ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, Liên đoàn luật sư Việt Nam gửi Bộ Tư pháp Đề án tổ chức Đại hội, phương án xây dựng nhân sự bầu mới hoặc bầu thay thế, bổ sung Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp có ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội, phương án xây dựng nhân sự bầu mới hoặc bầu thay thế, bổ sung Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.
3. Đề án tổ chức Đại hội, phương án xây dựng nhân sự bầu mới hoặc bầu thay thế, bổ sung Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam được trình cơ quan có thẩm quyền sau khi có văn bản thống nhất ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
5. Bãi nhiệm Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam:
1. Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình; xâm hại lợi ích của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;
b) Không chấp hành yêu cầu, quy định, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc sau khi đã nhắc nhở bằng văn bản;
c) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết nhiệm kỳ mà không điều hành Hội đồng luật sư toàn quốc tổ chức Đại hội, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
c) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm, báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ của Liên đoàn luật sư Việt Nam theo quy định của Luật luật sư trong 02 năm liên tục; không gửi các quy định, quyết định, nghị quyết liên quan đến việc tổ chức Đại hội của Liên đoàn luật sư Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc Đại hội.
6. Ngoài ra, Nghị định số 137/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về (1) Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân; (2) Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư; (3) Phê chuẩn kết quả Đại hội luật sư; (4) thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; (5) thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài.
Ngô Tâm - BTTP