Thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng thuận lợi, dễ dàng hơn

03/07/2018
Ngày 20/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biên pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Thông tư số 08/2018/TT-BTP) nhằm thực thi có hiệu quả, đảm bảo sự thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm. Đồng thời, Thông tư số 08/2018/TT-BTP được ban hành cũng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các Thông tư về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án[1]. Thông tư số 08/2018/TT-BTP gồm 4 chương, 25 điều với những nội dung cơ bản sau:
Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư số 08/2018/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ và hướng dẫn việc trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển trên cơ sở quy định tại Điều 63 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và kế thừa quy định của Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA ngày 05/11/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản (Điều 1).
Về các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng: Trên cơ sở kế thừa quy định về trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các loại động sản trừ tàu bay, tàu biển, đăng ký hợp đồng còn phù hợp, Thông tư số 08/2018/TT-BTP đã bổ sung thêm trường hợp bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản để phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định số 102/2017/NĐ-CP; đồng thời bỏ quy định về đăng ký đối với biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ (Điều 5).
Về tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng: Thông tư số 08/2018/TT-BTP đã hướng dẫn cụ thể hơn về loại tài sản là quyền tài sản thuộc thẩm quyền đăng ký của Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản (Khoản 7 Điều 6). Ngoài ra, Thông tư cũng đã sửa nội dung hướng dẫn loại tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền đăng ký của Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản là những tài sản không được chứng nhận quyền sở hữu quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (khoản 10 Điều 6).
Về biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư: Nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho người yêu cầu đăng ký thực hiện kê khai các thông tin cần thiết khi có yêu cầu đăng ký, Thông tư số 08/2018/TT-BTP đã thiết kế lại các biểu mẫu mới phù hợp với quy định tại Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (20 biểu mẫu) (Điều 8).
Về kê khai thông tin trên Phiếu yêu cầu đăng ký và trên Biểu mẫu điện tử tương tác của hệ thống đăng ký trực tuyến: Đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký được thực hiện dưới hình thức là đăng ký thông báo, theo đó cán bộ đăng ký không xác minh hay yêu cầu người yêu cầu đăng ký phải xuất trình giấy tờ chứng minh giao dịch mà chỉ căn cứ vào những nội dung thông tin được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trên biểu mẫu điện tử tương tác. Do vậy, để đảm bảo tính chính xác khi cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, Điều 9 của Thông tư đã quy định cụ thể hơn các tiêu chí kê khai thông tin về số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm. Ngoài ra, Thông tư đã bổ sung hướng dẫn kê khai đối với các chủ thể tham gia giao dịch là doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể, chi nhánh pháp nhân, thông tin về bên bán, bên mua tài sản có bảo lưu quyền sở hữu. Đồng thời, nhằm hạn chế việc Trung tâm Đăng ký phải từ chối hoặc hủy kết quả đăng ký, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân, đồng thời đảm bảo tính chính xác của các thông tin được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu, Thông tư đã quy định cụ thể việc kê khai các thông tin bắt buộc như bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản phải kê khai bằng tiếng Việt có dấu, đối với tài bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới thì phải kê khai chính xác số khung theo Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (trừ phương tiện đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc tài sản hình thành trong tương lai)....
Về mô tả tài sản bảo đảm: Điều 10 của Thông tư đã hướng dẫn kê khai, mô tả đối với từng loại tài sản bảo đảm như phương tiện giao thông cơ giới; tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho, quyền tài sản; tài sản bảo đảm là công trình phụ trợ và tài sản này không được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận. Đối với tài sản là phương tiện giao thông cơ giới, Thông tư bổ sung quy định về phương tiện giao thông cơ giới chưa được đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản (trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải có đăng ký) thì người yêu cầu đăng ký mô tả số khung của phương tiện giao thông cơ giới theo phiếu xuất xưởng phương tiện hoặc tờ khai hải quan trong trường hợp nhập khẩu phương tiện. Với những trường hợp thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, Thông tư cũng có những hướng dẫn cụ thể hơn để người yêu cầu đăng ký dễ thực hiện và đảm bảo các thông tin trong cơ sở dữ liệu rõ ràng, tiện lợi dễ tra cứu và thực hiện các đơn thay đổi tiếp theo.
Về ký phiếu yêu cầu đăng ký; về đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký; sửa chữa sai sót do lỗi của người thực hiện đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng: Điều 11 và Điều 13 của Thông tư chỉ hướng dẫn chi tiết các tình huống phát sinh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và thực hiện đăng ký mà không đặt ra thủ tục hành chính mới, qua đó giúp cho người yêu cầu đăng ký và cơ quan đăng ký có cơ sở để thực hiện một cách thuận lợi, dễ dàng và quy định cụ thể hơn so với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP. Cụ thể là: Thông tư còn hướng dẫn xử lý các tình huống phát sinh trong quy trình giải quyết, xử lý đơn yêu cầu đăng ký trong các trường hợp như: người yêu cầu đăng ký đã gửi Phiếu yêu cầu đăng ký và đã được đăng ký nhưng sau đó phát hiện Phiếu yêu cầu đăng ký đó trùng với Phiếu yêu cầu đã đăng ký; người yêu cầu đăng ký đã kê khai cụ thể số lượng hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc địa chỉ kho hàng trên Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc trên biểu mẫu điện tử tương tác đã được đăng ký và số lượng hàng hoá tăng hoặc có thay đổi về địa chỉ kho hàng so với mô tả ban đầu; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, mà thông tin về một trong các bên hoặc các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng tại thời điểm xóa đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu.
Các trường hợp đăng ký mới khi có sự thay đổi thông tin về nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký: Việc thay đổi các thông tin về nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký có ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm đăng ký và thứ tự ưu tiên thanh toán. Do đó, Thông tư quy định các trường hợp phải đăng ký mới mà không đăng ký thay đổi như bổ sung tài sản bảo đảm; thay đổi số hợp đồng và thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm (Điều 14).
Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên, trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm: Thông tư quy định chi tiết về tiêu chí cung cấp thông tin; phương thức trao đổi thông tin giữa các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản; trình tự xử lý thông tin được trao đổi giữa Trung tâm Đăng ký với Cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản và Cơ quan thi hành án dân sự (Điều 17, 18, 19, 20, 21, 22).
Về hiệu lực thi hành, Thông tư số 08/2018/TT-BTP có hiệu lực kể từ ngày 04/8/2018 và thay thế cho 04 thông tư là Thông tư số 22/2010/TT-BTP; Thông tư số 05/2011/TT-BTP; Thông tư số 08/2014/TT-BTP và Thông tư số 11/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp (Điều 23)./.
 
Nguyễn Hoa - Phòng Quản lý nghiệp vụ - Cục ĐKQGGDBĐ
 
[1] Các Thông tư về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án gồm: Thông tư số 22/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án; Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; Thông tư số 08/2014/TT-BTP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2011/TT-BTP và Thông tư số 22/2010/TT-BTP; Thông tư số 11/2015/TT-BTP ngày 01 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp.