Quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ

04/04/2017
Ngày 03 tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, Quy chế này quy định việc quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng giai đoạn (sau đây gọi tắt là Chương trình). Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị chủ trì thực hiện các đề án thuộc Chương trình (sau đây gọi tắt là Đơn vị chủ trì), cơ quan quản lý Chương trình, các đối tượng thụ hưởng Chương trình và các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đơn vị chủ trì là cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ trung ương và địa phương; các tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện các đề án thuộc Chương trình. Đơn vị chủ trì được tiếp nhận kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện các đề án và quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật. Đơn vị chủ trì được ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các hạng mục công việc thuộc nội dung đề án.
Kinh phí thực hiện Chương trình cấp trung ương được hình thành từ các nguồn sau: Ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo kế hoạch; Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Kinh phí thực hiện Chương trình cấp địa phương được hình thành từ các nguồn sau: Ngân sách nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hàng năm; Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nguồn tài trợ và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho Chương trình theo nguyên tắc: Kinh phí thực hiện Chương trình cấp trung ương được giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương theo quy định; Kinh phí thực hiện Chương trình của địa phương được giao trong ngân sách hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo Quy chế, các hoạt động chính hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất gồm: Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp; Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp; Đánh giá, công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất. Mức hỗ trợ tối đa 100% áp dụng cho các nội dung trên.
Đối với việc hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động chính bao gồm: Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước; cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại...; Thuê tư vấn và hợp tác, liên kết với các chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực quản lý, quản trị sản xuất, đội ngũ kỹ thuật, công nghệ,... Mức hỗ trợ tối đa áp dụng cho các nội dung trên là 70%.
Đối với nội dung xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm bao gồm các hoạt động chính như sau: Khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo (bao gồm cả các sản phẩm cơ khí trọng điểm), công nghiệp công nghệ cao; Mua cơ sở dữ liệu dùng chung cho ngành công nghiệp hỗ trợ (đối với các dữ liệu trong nước không có, hoặc không tin cậy); Cung cấp thông tin cung cầu về thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chính sách về công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức hội thảo hàng năm công bố thông tin về năng lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ quốc gia; Xuất bản các ấn phẩm về công nghiệp hỗ trợ; Vận hành trang thông tin điện tử về công nghiệp hỗ trợ. Mức hỗ trợ 100% áp dụng cho các nội dung trên.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định về việc điều chỉnh và chấm dứt thực hiện đề án như sau: Trường hợp Đơn vị chủ trì điều chỉnh, thay đổi nội dung hoặc chấm dứt thực hiện đề án đã được phê duyệt, phải có văn bản nêu rõ lý do và kiến nghị phương án điều chỉnh gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp Đơn vị chủ trì không thực hiện đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ đề án đã được phê duyệt hoặc xét thấy nội dung đề án không còn phù hợp, Bộ Công Thương hoặc cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét, quyết định việc chấm dứt thực hiện đề án. Sau khi có quyết định điều chỉnh hoặc chấm dứt thực hiện đề án, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc điều chuyển kinh phí còn dư (nếu có); việc quản lý và sử dụng kinh phí này các cơ quan và đơn vị liên quan lực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ngân sách.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2017.