Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Các trường hợp phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt
Điều 4 của Thông này quy định: Công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt (sau đây gọi chung là công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là tổ chức) phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: Công trình khai thác nước mặt với quy mô trên 100 m
3/ngày đêm; Công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10 m
3/ngày đêm.
Trình tự xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt
Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tổ chức trực tiếp đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai thác nước căn cứ quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này đề xuất phạm vi cụ thể vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình.
Trên cơ sở đề xuất vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt quy định tại Khoản 1 Điều này và hiện trạng sử dụng đất tại khu vực có công trình khai thác nước, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.
Chậm nhất sau ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp hoặc kể từ ngày giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Nội dung phê duyệt bao gồm: tên công trình khai thác; nguồn nước khai thác; quy mô công trình khai thác; vị trí khai thác; phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác.
Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đăng tải danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của địa phương, thông báo bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình khai thác nước, đồng thời gửi tới Cục Quản lý tài nguyên nước.
Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn nước dưới đất và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành công trình khai thác nước quy định tại Điều 4 của Thông tư này có trách nhiệm:
a) Đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thuộc phạm vi công trình khai thác của mình và thể hiện trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình khai thác nước và các cơ quan liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa sau khi được phê duyệt và công bố;
c) Bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý.
H.V.A