Quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam

09/09/2016
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 134/2016/TT-BTC ngày 08/9/2016 ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/11/2016.
Theo đó, Quy chế này quy định cơ chế quản lý tài chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi tắt là DATC hoặc Công ty) do Nhà nước làm chủ sở hữu được chuyển đổi theo Quyết định số 1494/QĐ-BTC ngày 30/06/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở tổ chức lại Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư nêu rõ một số nguyên tắc chung như sau: 1- Công ty được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận (trừ các trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền), thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; 2- Mỗi khoản nợ mua của Công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được coi như một loại hàng hóa đặc biệt, Công ty có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua; 3- Đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, Công ty quản lý, theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này; 4- Việc chuyển nợ, tài sản thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thực hiện theo phương án đã thỏa thuận (bằng văn bản) với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp khác, việc chuyển nợ, tài sản thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp; 5- Việc sử dụng các khoản nợ và tài sản để góp vốn phải đảm bảo hiệu quả trên cơ sở phương án đầu tư (bao gồm cả phương án chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp tái cơ cấu) được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các tài sản (không bao gồm nợ) trước khi góp vốn phải được xác định lại giá trị bởi các tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật; 6- Khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, mua bán xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, Công ty triển khai thực hiện trên cơ sở phương án phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty;…

Quản lý, sử dụng vốn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam

Theo Thông tư này, vốn chủ sở hữu của Công ty, gồm: Vốn điều lệ của Công ty theo quyết định của chủ sở hữu. Chủ sở hữu cấp đủ vốn điều lệ để đảm bảo cho hoạt động của Công ty theo quy định của pháp luật; Vốn tự tích lũy từ hoạt động kinh doanh được bổ sung vào nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Vốn do Công ty huy động bằng các hình thức vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; vay của tổ chức, cá nhân ngoài doanh nghiệp, của người lao động; phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc huy động vốn: Căn cứ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của Công ty; Phương án huy động vốn phải bảo đảm hiệu quả và khả năng thanh toán nợ; Người phê duyệt phương án huy động vốn chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra bảo đảm vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; Việc huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước phải thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Việc huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vay hoặc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và quy định khác của pháp luật có liên quan; Việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức, hoạt động của Công ty.
Thông tư nêu rõ, công ty được quyền chủ động sử dụng vốn của Công ty để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó: Sử dụng vốn để mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật; ưu tiên phục vụ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước; Sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty; Sử dụng vốn để sửa chữa, nâng cấp tài sản; Việc sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của Công ty phải đảm bảo trang bị phù hợp với nhu cầu hoạt động của Công ty và tuân thủ các quy định của Nhà nước, tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định và hạch toán theo dõi tài sản đầu tư, mua sắm theo quy định hiện hành của pháp luật.

Quản lý tài sản

Việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty Mua bán nợ thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, đối với một số trường hợp cụ thể, Thông tư số 134/2016/TT-BTC quy định như sau: Đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam thực hiện, phải thực hiện đúng theo pháp luật về xây dựng, đấu thầu và các quy định khác. Trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài về sử dụng, Công ty phải thực hiện theo pháp luật đấu thầu và các quy định liên quan. Với đầu tư, mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức; sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả theo quy định.

Quản lý nợ tại Công ty mua bán nợ

Thông tư 134/2016/TT-BTC quy định trách nhiệm quản lý nợ của Công ty, theo đó: Công ty phải ban hành Quy chế quản lý nợ, xác định rõ trách nhiệm theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; Mở sổ theo dõi, hạch toán, thanh toán các khoản nợ và thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán, đôn đốc thu hồi nợ.