Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

15/03/2016
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14 tháng 03 năm 2016 Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 4 năm 2016.
Theo đó, mục đích ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học nhằm giúp cơ sở giáo dục đại học sử dụng tiêu chuẩn để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo của từng chương trình cụ thể; giúp các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận hoặc không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào tạo; các tổ chức, cá nhân khác có cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà họ quan tâm.
Thông tư quy định, việc đánh giá chất lượng chương trình đào tạo căn cứ vào 11 tiêu chuẩn. Trong đó, tiêu chuẩn đối với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được quy định cụ thể như sau: Việc quy hoạch đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (bao gồm việc thu hút, tiếp nhận, bổ nhiệm, bố trí, chấm dứt hợp động và cho nghỉ hưu) được thực hiện đáp ứng nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng; Tỉ lệ giảng viên/ người học và khối lượng công việc của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được đo lường, giám sát làm căn cứ cải tiến chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng; Các tiêu chí tuyển dụng và lựa chọn giảng viên, nghiên cứu viên (bao gồm cả đạo đức và năng lực học thuật) để bổ nhiệm, điều chuyển được xác định và phổ biến công khai; Năng lực của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được xác định và được đánh giá; Nhu cầu về đào tạo và phát triển chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được xác định và có các hoạt động triển khai để đáp ứng nhu cầu đó; Việc quản trị theo kết quả công việc của giảng viên, nghiên cứu viên (gồm cả khen thưởng và công nhận) được triển khai để tạo động lực và hỗ trợ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng; Các loại hình và số lượng các hoạt động nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên được xác lập, giám sát và đối sánh để cái tiến chất lượng.
Đối với người học và hoạt động hỗ trợ người học, Thông tư cũng nêu cụ thể một số tiêu chuẩn như sau: Chính sách tuyển sinh được xác định rõ ràng, được công bố công khai và được cập nhật; Tiêu chí và phương pháp tuyển chọn người học được xác định rõ ràng và được đánh giá; Có hệ thống giám sát phù hợp về sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện, kết quả học tập, khối lượng học tập của người học; Có các hoạt động tư vấn học tập, hoạt động ngoại khóa, hoạt động thi đua và các dịch vụ hỗ trợ khác để giúp cải thiện việc học tập và khả năng có việc làm của người học; Môi trường tâm lý, xã hội và cảnh quan tạo thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghiên cứu và sự thoải mái cho cá nhân người học.