Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp

26/12/2015
Bộ Lao động – Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 12 năm 2015 ban hành Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Điều lệ này quy định về tổ chức hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục (sau đây gọi chung là trung tâm giáo dục nghề nghiệp). Điều lệ này được áp dụng đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động theo quy định của Điều lệ này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Các loại hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong Điều lệ này được tổ chức theo loại hình sau: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục mà phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển trung tâm; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Cơ quan trực tiếp quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ quan, tổ chức được giao quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, bao gồm: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; các Sở, Ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh.

Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có những nội dung chủ yếu sau: Tên trung tâm; Mục tiêu và sứ mạng; Nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm; Tổ chức các hoạt động đào tạo; Nhiệm vụ và quyền của giáo viên, cán bộ quản lý; Nhiệm vụ và quyền của người học; Tổ chức và quản lý của trung tâm; Quan hệ giữa trung tâm với doanh nghiệp, gia đình và xã hội; Tài chính và tài sản của trung tâm; Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp do giám đốc phê duyệt và phải được công bố công khai tại trung tâm. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm được phê duyệt, giám đốc trung tâm có trách nhiệm gửi 01 bản quyết định phê duyệt quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm về cơ quan trực tiếp quản lý trung tâm, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi quản lý và về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở chính của trung tâm giáo dục nghề nghiệp để thực hiện quản lý theo địa bàn.

Tiêu chuẩn và trình độ chuẩn của giáo viên trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Giáo viên trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất, đạo đức tốt; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư này; Có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; Có lý lịch rõ ràng.

Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên: Giáo viên dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; Giáo viên dạy trình độ sơ cấp quy định tại Thông tư này, nếu không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2015. Bãi bỏ Quyết định số 13/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 14 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế mẫu trung tâm dạy nghề.