Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ

18/08/2015
Ngày 14 tháng 8 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2015/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2013/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung

Nghị định số 110/2013/NĐ-CP mới có hiệu lực thi hành được hơn một năm, chưa phát sinh các vấn đề bất cập lớn trên thực tế, việc sửa đổi Nghị định nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định của các Luật mới được ban hành. Do đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung của Nghị định chủ yếu liên quan đến các quy định của Luật công chứng, Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật phá sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự vừa được sửa đổi, bổ sung và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật nêu trên. Liên quan đến hoạt động công chứng, do công chứng viên được thực hiện hoạt động chứng thực nên phạm vi sửa đổi của Nghị định bao gồm cả các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chứng thực. Ngoài ra, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật cũng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Nghị định số 113/2014/NĐ-CP.

Nghị định cũng tích hợp nội dung và quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của các chức danh Cục trưởng, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tại Điều 12 và Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp để thuận tiện cho việc tra cứu, thực hiện.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản

1. Về xử phạt vi pham hành chính trong hoạt động công chứng

Căn cứ Luật công chứng ngày 20/6/2014, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật công chứng, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung đối với 05 Điều trong hoạt động công chứng là Điều 11, 12, 13, 14 và Điều 15 trong đó:

- Điều 11, bổ sung các trường hợp liên quan đến hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên và hồ sơ đăng ký hành nghề cho công chứng viên của văn phòng công chứng. Đồng thời, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này.

- Điều 12 sửa đổi, bổ sung các hành vi: gian dối, không trung thực khi phiên dịch (Điểm a Khoản 1); sửa chữa, tẩy xóa trái pháp luật giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch (Điểm b Khoản 1); cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng văn bản giả mạo để được công chứng bản dịch (Khoản 2); làm giả văn bản hoặc giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch (Khoản 3).

- Điều 13: bổ sung cụm từ “di chúc” trong tên điều để phù hợp với các hành vi quy định tại điều này; bổ sung mới Điểm k Khoản 2 và Khoản 3; sửa đổi Điểm a, b, đ, i Khoản 2. Bãi bỏ Điểm b Khoản 1 và Điểm h Khoản 2 Điều 13 vì đây là những hành vi của tổ chức hành nghề công chứng nên phải được quy định tại Điều 15.

- Điều 14: Sửa đổi Điểm a, đ Khoản 1 và bổ sung Điểm e Khoản 1; sửa đổi các Điểm a, b, d, đ Khoản 2; bổ sung Điểm e, g, h Khoản 2; sửa đổi Điểm a, b, d, e Khoản 3; bổ sung Điểm h, i, k, l Khoản 3; sửa đổi Điểm b và bổ sung Điểm c Khoản 5. Tương ứng với các hành vi vi phạm, các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 7, Khoản 8 điều này cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong đó, Điểm b Khoản 7 đã bổ sung hình thức “Tước quyền sử dụng Thẻ công chứng viên từ 06 đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này”.

 - Điều 15: Bãi bỏ Điểm b Khoản 4; bổ sung quy định mới 07 hành vi tại các Điểm d, đ, e, g Khoản 2, Điểm e, g, h, i Khoản 4; đồng thời, sửa đổi một số hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 1, Điểm a, b Khoản 3, Điểm c, d, đ Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 7.

Nghị định đã bổ sung Điều 15a quy định về “Hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên” vì Luật công chứng 2014 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật công chứng đã quy định mới về tổ chức này.

2. Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chứng thực

Để phù hợp với quy định của Luật công chứng về việc công chứng viên các tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện chứng thực và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 24, trong đó: sửa đổi Khoản 1, Điểm b Khoản 2; bổ sung Điểm c, d, đ, e Khoản 2; bổ sung Điểm c, d, đ, e, g, h, i, k, l Khoản 3; bổ sung Khoản 3a với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với 9 hành vi. Đây đều là hành vi của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng khi thực hiện chứng thực. Tương ứng với các hành vi sửa đổi, bổ sung trên, các biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 4 Điều 24 đã được bổ sung.

3. Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật

Căn cứ vào Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, Nghị định đã thay thế Điều 41 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, trong đó quy định mới 10 hành vi, sửa đổi 01 hành vi so với Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

4. Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Căn cứ Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung 04 hành vi quy định tại Điểm c, d, đ Khoản 2 và Điểm đ Khoản 4 Điều 29 về hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Bổ sung Điểm d Khoản 2 Điều 30.

Liên quan đến các điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình, Nghị định đã sửa đổi tên Điều 48 và một số nội dung của Điều này. Trong đó sửa đổi, bổ sung 04 hành vi, cụ thể: Bổ sung hành vi “Chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời” tại Điểm d Khoản 1 Điều 48, “Chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng” tại Điểm đ Khoản 1 Điều 48, “Chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng” tại Điểm e Khoản 1 Điều 48. Bổ sung mới hành vi “Chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ ” tại Điểm b Khoản 2 Điều 48.

5. Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Căn cứ vào các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự về nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án, Nghị định đã bổ sung 02 hành vi vào Khoản 2 Điều 52. 

Và nhiều quy định sửa đổi, bổ sung quan trọng khác…

Tạ Thị Tài