Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh

02/07/2015
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 24/2015/QĐ-TTg ngày 30 tháng 06 năm 2015 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2015.

Tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh

Theo Quy chế, Hội đồng Cạnh tranh được tổ chức theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 07/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh.  Thành viên Hội đồng Cạnh tranh làm việc kiêm nhiệm hoặc chuyên trách theo quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng Cạnh tranh có không quá ba Phó Chủ tịch.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh

Quy chế cũng quy định Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh có một số nhiệm vụ, quyền hạn sau: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng Cạnh tranh theo quy định của pháp luật; Phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng Cạnh tranh và phê duyệt chương trình công tác hàng năm của Hội đồng Cạnh tranh; Quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để xử lý các vụ việc cạnh tranh cụ thể; Quyết định thay đổi Chủ tọa Phiên điều trần, các thành viên Hội đồng xử lý vụ việc, Thư ký Phiên điều trần, người giám định, người phiên dịch theo quy định của pháp luật; Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính theo quy định của pháp luật; Tổ chức giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;. Cử đại diện của Hội đồng Cạnh tranh tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng Cạnh tranh; Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, bãi nhiệm, chế độ làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm các thành viên Hội đồng Cạnh tranh; Giải quyết các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các Phó Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh.

Tiếp nhận và bảo quản báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh

Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh, báo cáo Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh trong thời hạn chậm nhất là 5 ngày làm việc. Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh có trách nhiệm bảo quản và lưu trữ báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh ban hành Quyết định về việc thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh gồm ít nhất năm thành viên của Hội đồng Cạnh tranh, trong đó có một thành viên làm Chủ tọa Phiên điều trần để giải quyết một vụ việc cạnh tranh cụ thể.

Quyết định về việc thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm một số nội dung chính sau đây: Thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh gồm Chủ tọa Phiên điều trần và các thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; Thành viên tham dự; Thư ký Phiên điều trần.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh có trách nhiệm chuyển báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thành viên tham dự và Thư ký Phiên điều trần.

Họp Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh, Chủ tọa Phiên điều trần có trách nhiệm triệu tập cuộc họp toàn thể Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để thảo luận về nội dung của báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc cạnh tranh.

Trường hợp thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không tham dự cuộc họp của Hội đồng xử lý vụ việc thì có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản tới Chủ tọa Phiên điều trần trước cuộc họp. Ý kiến của thành viên vắng mặt phải được đọc tại cuộc họp của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Nội dung kết quả cuộc họp của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải được ghi thành biên bản của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Thư ký Phiên điều trần có trách nhiệm ghi biên bản.

Quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ban hành một trong các quyết định quy định tại Khoản 2 Điều 99 Luật Cạnh tranh.

Quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh được thực hiện dựa trên kết quả biểu quyết của tất cả thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh theo nguyên tắc đa số. Trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo phía có ý kiến của Chủ tọa Phiên điều trần.

Kết quả biểu quyết của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến biểu quyết của từng thành viên.

Tổ chức Phiên điều trần

Phiên điều trần được tổ chức trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định mở Phiên điều trần. Quyết định mở Phiên điều trần phải được gửi đến các thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thành viên tham dự, Thư ký Phiên điều trần và các bên liên quan chậm nhất 10 ngày trước ngày diễn ra Phiên điều trần. Quyết định mở Phiên điều trần phải bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 102 Luật Cạnh tranh. Trình tự, nội dung Phiên điều trần được thực hiện theo quy định tại Điều 104 Luật Cạnh tranh và Mục 8 Chương III Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.