Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ

19/06/2015
Bộ Thông tin và truyền thông vừa ban hành Thông tư số 16/2015/TT-BTTTT ngày 17 tháng 06 năm 2015 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm.

Theo đó, Thông tư này quy định về đối tượng, loại hàng hóa, yêu cầu tiêu chuẩn cần đáp ứng và thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hàng hóa trong lĩnh vực in bao gồm: thiết bị, linh kiện, phụ tùng theo mô tả và mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông thuộc các nhóm: 84.40; 84.42 và 84.43.

Hàng hóa trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm là xuất bản phẩm theo mô tả và mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông thuộc các nhóm: 49.01; 4903.00.00 và 4904.00.00; 49.05; 4910.00.00; 49.11.

Thông tư quy định, đối tượng được nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in Cơ sở in (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị sự nghiệp công lập có giấy phép hoạt động in hoặc có đăng ký hoạt động cơ sở in); Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị ngành in theo quy định của pháp luật và Cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân được phép sử dụng thiết bị in để phục vụ công việc nội bộ.

Cũng theo Thông tư, tổ chức nhập khẩu thiết bị in quy định tại Thông tư này lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Xuất bản, In và Phát hành. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BTTTT; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Giấy phép nhập khẩu thiết bị in có giá trị đến khi thực hiện xong thủ tục thông quan.

Đối tượng được nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm là tổ chức có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm quy định tại Điều 38 Luật Xuất bản (sau đây gọi là cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm) được nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh ; Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài quy định tại Điều 41 Luật Xuất bản được nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh.

Cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm lập 01 bộ hồ sơ đăng ký, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Xuất bản, In và Phát hành. Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng Internet, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải nộp lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm bằng văn bản theo Mẫu số 06 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Trường hợp phát hiện nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành có quyền từ chối xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm hoặc yêu cầu thẩm định nội dung xuất bản phẩm đó trước khi xác nhận đăng ký nhập khẩu.

Trước khi nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu và gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan cấp giấy phép theo quy định sau đây: Cơ quan, tổ chức ở Trung ương, tổ chức nước ngoài có trụ sở tại thành phố Hà Nội gửi hồ sơ đến Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội; Cơ quan, tổ chức khác và cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài gửi hồ sơ đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đặt trụ sở hoặc nơi có cửa khẩu mà xuất bản phẩm được nhập khẩu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2015.