Quy chế quản lý rừng phòng hộ

11/06/2015
Ngày 09/06, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 7 năm 2015.

Theo đó, Quy chế này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng và hưởng lợi từ rừng phòng hộ; đầu tư phát triển rừng phòng hộ.  Đối tượng áp dụng theo Quy chế là cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức và cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ tại Việt Nam.

Tiêu chuẩn định hình chung đối với các khu rừng phòng hộ khi đạt các tiêu chí sau: Tỷ lệ diện tích đất có rừng trên diện tích của toàn khu rừng phòng hộ phải từ 70 phần trăm trở lên; Diện tích có rừng liền khoảnh từ 0,5 hecta trở lên, nếu là dải cây rừng phải có chiều rộng tối thiểu 20 mét và có từ 03 hàng cây trở lên; Là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là các loài cây lâu năm thân gỗ, cau dừa, tre nứa có chiều cao vút ngọn từ 5,0 mét trở lên (trừ một số loài cây rừng ngập mặn ven biển).

Tiêu chuẩn định hình cụ thể bổ sung đối với từng loại rừng phòng hộ: Khu rừng phòng hộ đầu nguồn đạt tiêu chuẩn định hình khi rừng có khả năng duy trì, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, giảm xói mòn. Độ tàn che của rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu phải từ 0,8 trở lên; độ tàn che của rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu phải từ 0,6 trở lên; Khu rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay đạt tiêu chuẩn định hình khi cây rừng đã khép tán, rừng đã phát huy tác dụng ngăn chặn hoặc làm suy giảm tác hại của gió, cát cho vùng sản xuất và khu dân cư, nâng cao hoặc ổn định năng suất cây nông nghiệp; Khu rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển đạt tiêu chuẩn định hình khi cây rừng đã khép tán, hệ rễ phát triển, rừng phát huy tác dụng chắn sóng, ổn định đất, tăng khả năng bồi lấp bờ biển, ngăn chặn hoặc làm giảm sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển, ven sông; Khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn định hình khi rừng đã có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm ô nhiễm không khí, điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan, môi trường trong sạch cho khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, nghỉ ngơi.

Các nội dung bảo vệ rừng phòng hộ được quy định tại Quy chế bao gồm: Bảo vệ hệ sinh thái rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo vệ thực vật, động vật rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; Phòng cháy, chữa cháy trong rừng phòng hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; Phòng, trừ sinh vật gây hại rừng phòng hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú ý.

Trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng phòng hộ được quy định như sau: Ban quản lý rừng phòng hộ, người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ chịu trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng phòng hộ được giao; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí Kiểm lâm địa bàn và phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ để bảo vệ rừng; Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ chủ rừng phòng hộ; bảo vệ diện tích rừng phòng hộ do Ủy ban nhân dân cấp xã chưa giao, cho thuê trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Cũng theo Quy chế, nguyên tắc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ được quy định như sau: Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ không làm giảm chức năng phòng hộ của rừng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; Sản lượng khai thác quy định tại các Điều 14, 15, 16 của Quy chế này; Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được khai thác những loại động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loại được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.