Những nội dung cơ bản của Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

26/05/2014
Ngày 15/5/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Thông tư số 14). Thông tư có bố cục gồm 04 Chương, 16 điều, một số nội dung cơ bản của Thông tư như sau:

1. Xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật

Các nội dung xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Chương I (từ Điều 1 đến Điều 5) của Thông tư. Các quy định này đã đưa ra các tiêu chí cũng như quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên ba nội dung theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP là tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật. Các quy định đã hướng dẫn cụ thể cách thức cho việc xem xét, đánh giá các nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Đối với việc xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung Thông tư hướng dẫn trên ba khía cạnh về tính đầy đủ, kịp thời; tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi của văn bản quy định chi tiết. Nhất quán quan điểm chỉ đạo bám sát quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và thực hiện trách nhiệm được giao tại Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nội dung quy định tại Điều 1 của Thông tư đã đưa ra các tiêu chí cho việc xem xét, đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Căn cứ vào các tiêu chí này, Thông tư cũng quy định trách nhiệm, công việc cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong thực hiện việc xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết.

Khác với nội dung xem xét, đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện bởi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh, việc đánh giá tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi của văn bản quy định chi tiết được thực hiện bởi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp trên cơ sở một số nguồn thông tin nhất định để làm căn cứ cho việc xem xét, đánh giá. Trong đó, cần gắn chặt chẽ với hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện ra các văn bản quy định chi tiết có nội dung không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; so sánh đối chiếu giữa (i) sự phù hợp của các quy định với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, truyền thống văn hóa và phong tục tập quán; (ii) sự phù hợp của các quy định với điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nguồn tài chính để thi hành; (iii) sự hợp lý của các biện pháp giải quyết vấn đề và chế tài xử lý; (iv) sự rõ ràng của các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và trình tự, thủ tục thực hiện; (v) sự rõ ràng, cụ thể của các quy định để có thể thực hiện đúng, hiểu thống nhất, thuận tiện khi thực hiện và áp dụng để phát hiện ra những văn bản quy định chi tiết có nội dung không đảm bảo tính khả thi.

Nội dung xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật cũng đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn cụ thể cho việc đánh giá về hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật, điều kiện bảo đảm về tổ chức, biên chế và kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác thi hành pháp luật. Đối với nội dung xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật, quy định hướng dẫn của Thông tư tạo điểm nhấn về vai trò của địa phương trong việc phát hiện ra nguyên nhân của việc tuân thủ thấp, tác động và hiệu lực của văn bản pháp luật đến đời sống kinh tế - xã hội thông qua phân tích nguyên nhân của tình hình vi phạm theo các tiêu chí về nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, công tác tổ chức thi hành pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguyên nhân khác.

2. Thực hiện hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định cụ thể tại Chương II (từ Điều 6 đến Điều 10) của Dự thảo Thông tư gồm: Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Điều 6); tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật (Điều 7); kiểm tra tình hình thi hành pháp luật (Điều 8); điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật (Điều 9) và chế độ báo cáo tình hình thi hành pháp luật (Điều 10).

Trong đó, Điều 6 hướng dẫn về xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật với các nội dung như căn cứ xây dựng kế hoạch; các nội dung chủ yếu của kế hoạch. Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật được xây dựng theo hướng dẫn của Điều 6 hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá cho công tác thi hành pháp luật, tạo chuyển biến đáng kể và sự gắn kết giữa theo dõi tình hình thi hành pháp luật với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính qua việc đảm bảo đồng bộ giữa lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật với trọng tâm trong lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương trong năm.

Việc xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hằng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước hằng năm thực tiễn thi hành pháp luật trong phạm vi, lĩnh vực quản lý. Trong khi đó, lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ  đề xuất trong nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm sau trước ngày 30 tháng 11 hằng năm trên cơ sở căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm sau, kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri trong năm đó.  

 Bên cạnh đó, nội dung quy định tại Điều 6 cũng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm.

Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật được xây dựng theo hướng dẫn tại Điều 6 sẽ là kim chỉ nam cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hằng năm của các Bộ, ngành và địa phương, đảm bảo cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất trên phạm vi cả nước, hứa hẹn sẽ đưa ra được một bức tranh tổng quát, đa chiều về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn hằng năm.

Điều 7 hướng dẫn về cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Quy định tại Điều này cũng cụ thể hóa một số quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về việc tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Điều 8 hướng dẫn cụ thể về căn cứ kiểm tra, nội dung kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra, thẩm quyền kiểm tra, thủ tục thành lập đoàn kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra. Điều 9 hướng dẫn về cách thức, quy trình thực hiện hoạt động điều tra, khảo sát, nội dung điều tra, khảo sát, đối tượng điều tra, khảo sát, đồng thời cũng hướng dẫn cụ thể các phương thức tiến hành điều tra, khảo sát và xử lý kết quả điều tra, khảo sát. Điều 10 hướng dẫn về chế độ báo cáo và các trường hợp báo cáo khác ngoài báo cáo định kỳ hằng năm về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.  

3. Phối hợp và huy động sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Phối hợp và huy động sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một trong những nội dung quan trọng nhằm huy động các lực lượng xã hội tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Vì vậy, tại Chương III (từ Điều 11 đến Điều 14) Dự thảo Thông tư hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác; đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước hằng năm;  các hình thức tham gia của tổ chức và cá nhân trong từng hoạt động cụ thể, trong đó khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật thông qua  cơ chế cộng tác viên và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Thông tư.

Thông tư số 14/2014/TT-BTP sẽ thay thế Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/03/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Ngọc Phượng, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật