Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

17/03/2014
Ngày 14/03/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu  quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.

Nghị định này áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.

Theo Nghị định, nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khi tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm được sử dụng. Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho người thực hiện công việc có liên quan đến tác phẩm theo quy định của Nghị định này. Lợi ích vật chất là các lợi ích mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng ngoài nhuận bút bao gồm: nhận sách, báo biếu, vé mới xem công bố tác phẩm, giải thưởng và quốc tế...

Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng; lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí; người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.

Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo nói, báo hình sử dụng; biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ – đối với báo nói; biên kịch, đạo diễn, quay phim, người dựng phim, người dựng phim, nhạc sĩ, họa sĩ – đối với báo bình; lãnh đạo cơ quan báo nói với báo hình, phát thanh viên, biên tập viên, diễn viên sân khấu, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác, đạo diễn chương trình, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, người thiết kế ánh sáng, trợ lý nghệ thuật, đạo diễn và chuyên viên kỹ thuật âm thanh, quay phim kỹ xảo được trả thù lao.

Cũng theo Nghị định đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của xuất bản được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả nhuận bút; người sưu tầm, người hiệu đính tác phẩm, người cung cấp tác phẩm, văn bản, tài liệu được cơ quan, tổ chức sử dụng cuất bản phẩm trả thù lao đối với: tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian; văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó; Biên tập viên được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả thù lao theo mức độ đóng góp vào nội dung bản thảo. Nhuận bút và tiền thù lao được tính trong giá thành xuất bản phẩm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2014. Khi Nghị định này có hiệu lực, Chương II, Chương V, Chương VI Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút hết hiệu lực./.

Minh Loan