Quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc

15/01/2014
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

Theo đó, Nghị định này quy định về lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; thành lập trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; chế độ quản lý, giáo dục bắt buộc và những quy định khác có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Nghị định này áp dụng đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dục bắt buộc; Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị và thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Người phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nếu không tự giác chấp hành quyết định hoặc chống đối thì cơ quan Công an có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an để buộc người đó phải chấp hành. Trường hợp hành vi chống đối có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi có yêu cầu đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền phải có văn bản gửi Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, trong đó phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của học sinh, trại viên, lý do và thời hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Căn cứ vào văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc quyết định tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc để tham gia tố tụng.

Cơ quan có yêu cầu đưa học sinh, trại viên ra khỏi tường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm đưa học sinh, trại viên đi và trả lại họ theo đúng thời hạn đã ghi trong quyết định hoặc khi không còn yêu cầu. Khi giao, nhận phải lập biên bản.

Thời hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng cơ sở giáo dục bắt buộc được tính vào thời hạn chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Học sinh phải học tập, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý, giám sát của trường giáo dưỡng. Căn cứ vào quy mô của từng lớp trong trường giáo dưỡng, thời hạn chấp hành quyết định, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ vi phạm, tình trạng sức khỏe, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn của từng học sinh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng sắp xếp họ vào đội, lớp, tổ, nhóm cho phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục. Mỗi đội, lớp phải có cán bộ của trường giáo dưỡng trực tiếp phụ trách.

Chậm nhất là 15 ngày trước khi hết thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có trách nhiệm thông báo cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, UBND cấp xã nơi đã lập hồ sơ và cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh biết ngày học sinh ra trường. Khi học sinh đã chấp hành xong quyết định thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cho người đó và gửi bản sao cho Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, UBND cấp xã nơi đã lập hồ sơ và cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 02 năm 2014./.