Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học

29/10/2013
Ngày 24/10/2013, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học về đối tượng áp dụng điều lệ là các trường đại học, trường cao đẳng; đại học vùng; chương trình giáo dục đại học và hình thức đào tạo; tài sản, chính sách đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; chính sách đối với giảng viên.

Theo đó, chương trình đào tạo trình độ cao đẳng được xây dựng theo định hướng thực hành; chương trình đào tạo trình độ đại học được xây dựng theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng. Cả hai chương trình đều áp dụng cho hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được xây dựng theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, áp dụng cho hình thức giáo dục chính quy. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ được xây dựng theo định hướng nghiên cứu, áp dụng theo hình thức giáo dục chính quy cho các khóa đào tạo tập trung tại cơ sở giáo dục đại học. Nghiên cứu sinh phải dành toàn bộ thời gian quy định để học tập và nghiên cứu, trong đó có ít nhất một năm tập trung liên tục tại cơ sở giáo dục đại học. 

Theo Nghị định thì giảng viên được kéo dài thời gian làm việc nếu có các điều kiện: Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.

Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm. Trong thời gian kéo dài làm việc, người được kéo dài làm việc nêu trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định. Giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên.

Về chính sách đối với giảng viên: Nghị định cũng quy định cụ thể chính sách đối với giảng viên. Theo đó, hệ thống chức danh và tiêu chuẩn các chức danh giảng viên được làm căn cứ để xếp hạng chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn các chức danh giảng viên.

Đối với chế độ chính sách về thang, bậc lương với giảng viên được quy định cụ thể, có sự phân biệt khác nhau giữa 5 chức danh: Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Chức danh phó giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp. Chức danh giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp.

Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài vận dụng quy định hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập để thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, bảo đảm không thấp hơn tiền lương và phụ cấp của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập có cùng trình độ đào tạo và thâm niên công tác.

Chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận gồm: Ưu đãi thuế, miễn thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; miễn hoặc giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước; Hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên ...

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013./.

Minh Loan