Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ: Tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm

24/02/2012
Ngày 22/02/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2012), với những nội dung cơ bản sau đây:

1. Tăng cường quyền tự do cam kết, thoả thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể

Nghị định số 11/2012/NĐ-CP đã cụ thể hoá quan điểm tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, quyền tự do cam kết, thoả thuận của các bên về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, kinh doanh, thương mại (bao gồm cả lĩnh vực bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng), kết hợp với việc đề cao nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của các bên về cam kết, thỏa thuận của mình như: các bên được thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; về tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (ví dụ; bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai); về thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm... Điều này hoàn toàn phù hợp với tính chất của các quan hệ dân sự và sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

2. Xác định một trật tự ưu tiên thanh toán với nhiều loại chủ thể khác nhau

Công khai, minh bạch là tinh thần cơ bản được thể hiện trong các quy định về giao dịch bảo đảm hiện nay. Tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc đó, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP đã giải quyết mối quan hệ giữa các chủ thể có lợi ích liên quan trực tiếp đến tài sản bảo đảm, cụ thể là:

- Các chủ nợ không có bảo đảm;

- Các chủ nợ cùng nhận bảo đảm bằng tài sản;

- Các chủ nợ cùng nhận bảo đảm nhưng không phải bằng tài sản;

- Người có quyền cầm giữ tài sản bảo đảm;

- Người đã đầu tư làm tăng giá trị của tài sản bảo đảm;

- Người sử dụng đất trong trường hợp thế chấp tài sản trên đất thuê.

3. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ và đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm

- Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về các phương thức xử lý tài sản bảo đảm, vì thực tiễn thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cho thấy do không có quy định cụ thể nên bên nhận bảo đảm gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện phương thức bán tài sản bảo đảm không thông qua đấu giá hoặc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ.

- Nghị định số 11/2012/NĐ-CP bổ sung quy định trong trường hợp quyền đòi nợ được chuyển giao theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Dân sự thì các bên không phải ký kết lại giao dịch bảo đảm. Khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật thì bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ xuất trình hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ để chứng minh sự thay đổi.

- Nghị định số 11/2012/NĐ-CP bổ sung quy định về việc giao dịch bảo đảm được ký kết trước khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi pháp nhân (sau đây gọi là tổ chức lại pháp nhân), mà vẫn còn hiệu lực thì các bên không phải ký kết lại giao dịch bảo đảm đó khi tổ chức lại pháp nhân. Đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì pháp nhân mới xuất trình văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức lại pháp nhân để thực hiện đăng ký thay đổi theo quy định của pháp luật.

4. Tăng cường cơ chế kiểm soát đối với việc chuyển dịch tài sản bảo đảm

Do Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chưa quy định về cơ chế kiểm soát việc chuyển dịch tài sản bảo đảm một cách chặt chẽ nên trong thời gian qua phát sinh nhiều trường hợp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa bị bán, tặng cho mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Do vậy, khắc phục tình trạng nêu trên, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP bổ sung quy định Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản gửi Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đến cơ quan quản lý đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và giao thông thủy nội địa nhằm “kiểm soát” việc chuyển dịch tài sản thế chấp mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp.   

Với những nội dung cơ bản nêu trên, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP được ban hành đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm, giúp nâng cao chất lượng của hoạt động cho vay có bảo đảm, từ đó thúc đẩy hoạt động tín dụng và nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Dương Thị Thu Trang - Cục Đăng ký