Quy định mới về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông

09/11/2011
Ngày 03/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 51/2011/TT-BGDĐT quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thông tư gồm 3 Chương, 14 Điều quy định về mục đích, quy mô, chu kỳ, thời điểm, khối lớp, nội dung, môn học, phương pháp, công cụ, quy trình và kinh phí thực hiện đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt, đánh giá quốc gia thuộc khuôn khổ các Dự án về giáo dục phổ thông cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Theo quy định của Thông tư thì việc đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện trên quy mô toàn quốc và chu kỳ từ 3 đến 5 năm.

Các đánh giá định kỳ quốc gia sẽ được thực hiện ở các khối lớp 5 (môn Toán và môn Tiếng Việt), khối lớp 9 và 11 (môn Toán và môn Ngữ văn).

Nội dung đánh giá bao gồm những kiến thức, kỹ năng, năng lực quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Phương pháp đánh giá theo quy định của Thông tư là sử dụng hình thức bài kiểm tra viết và sử dụng các kỹ thuật và phần mềm tin học tiên tiến để chọn mẫu, thiết kế đề thi, quản lý thi, chấm bài, nhập dữ liệu, phân tích xử lý số liệu và quản lý kết quả đánh giá.

Quy trình tổ chức đánh giá gồm 14 bước như sau: (1) Thành lập Ban chỉ đạo đánh giá quốc gia; (2) Xây dựng Đề cương tổng thể; (3) Xây dựng kế hoạch đánh giá; (4) Xây dựng cơ sở dữ liệu để chọn mẫu đánh giá; (5) Chọn mẫu thử nghiệm và mẫu đánh giá chính thức; (6) Thiết kế, thử nghiệm, thẩm định, hoàn thiện các công cụ đánh giá; (7) Tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tham gia đánh giá; (8) Tổ chức triển khai đánh giá chính thức; (9) Chấm bài, nhập dữ liệu và làm sạch dữ liệu; (10) Xử lý, phân tích dữ liệu; (11) Viết báo cáo tổng kết; (12) Thẩm định và hoàn thiện Báo cáo tổng kết; (13) Hội thảo báo cáo kết quả đánh giá; (14) Thu thập thông tin phản hồi về kết quả đánh giá.

Việc đánh giá định kỳ quốc gia là cần thiết nhằm mục đích xem xét mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh theo chương trình hiện hành; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lâu dài về đánh giá kết quả học tập của học sinh để tiến hành cập nhật và phân tích xu thế thay đổi trong học tập của học sinh, từ đó xem xét hiệu quả thực hiện các thể chế và xây dựng những chính sách mới nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông; giám sát, đánh giá kết quả học tập của học sinh sau một giai đoạn học tập và rèn luyện, từ đó góp phần điều chỉnh việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tạo cơ sở thực tiễn cho việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông tiếp theo….

Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2011.

BCMC