Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam được cấp cho tàu biển có đủ các điều kiện và đã được đăng ký vào sổ đăng ký tàu biển quốc gia theo trình tự thủ tục quy định; có giá trị sử dụng kể từ ngày được cấp đến ngày xóa đăng ký tàu biển đó.
Ngoài các loại giấy tờ như quy định trước đây, hồ sơ đăng ký tàu biển còn phải có thêm chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ theo quy định, gồm: bản chính tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế và bản chính chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp tàu biển là đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ thì nộp bản chính tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế.
Bên cạnh việc quy định cụ thể hồ sơ đăng ký, Nghị định 77/2011/NĐ-CP còn bổ sung quy định về số lượng, cách thức và nơi nộp hồ sơ. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến một trong các cơ quan đăng ký tàu biển khu vực theo các địa chỉ:
- Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực Hải Phòng đặt tại Chi cục Hàng hải Việt Nam TP Hải Phòng; địa chỉ: số 11, đường Võ Thị Sáu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
- Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực Sài Gòn đặt tại Chi cục Hàng hải Việt Nam TP Hồ Chí Minh; địa chỉ: số 89, đường Pasteur, quận I, TP Hồ Chí Minh.
- Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực Đà Nẵng đặt tại Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng; địa chỉ: số 12, đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Chậm nhất 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển khu vực cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng có các quy định cụ thể về thủ tục đăng ký lại tàu biển Việt Nam, đăng ký thay đổi tên tàu biển Việt Nam, thay đổi tên chủ tàu biển, thay đổi chủ sở hữu tàu biển, thay đổi kết cấu và thông số kỹ thuật tàu biển, thay đổi cơ quan đăng ký tàu biển khu vực, thay đổi tổ chức đăng kiểm tàu biển Việt Nam…
Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011./.
Lê Anh