Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi

24/03/2011
Ngày 21/3/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

Theo đó, lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là 400.000 đồng/trường hợp; nuôi con nuôi nước ngoài là 9 triệu đồng/trường hợp; đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện là 3 triệu đồng/trường hợp.

Các trường hợp được miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước bao gồm: Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi; nhận con nuôi ở vùng sâu, vùng xa.

Giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi. Trong trường hợp nhận 2 trẻ em trở lên là anh chị em ruột làm con nuôi thì từ trẻ thứ 2 trở đi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài.

Nghị định cũng ghi nhận các trường hợp nuôi con nuôi thực tế mà chưa đăng ký, cụ thể, việc nuôi con nuôi đã phát sinh tên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01/01/2011, nếu đáp ứng các điều kiện quy định thì được đăng ký kể từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2005 tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi, Nghị định quy định cụ thể như sau: Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, UBND cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Việc nuôi con nuôi nước ngoài do UBND cấp tỉnh nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định.

Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi; cô, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ thì UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi thực hiện việc đăng ký.

Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi sẽ thực hiện việc đăng ký. Nếu cả 2 bên đều tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, người nhận con nuôi sẽ nộp hồ sơ đăng ký tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/5/2011; bãi bỏ các quy định tại Chương IV, từ Điều 35 đến Điều 64, Điều 71 và các quy định khác về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002; Từ Điều 25 đến Điều 28 và những quy định khác về trình tự, thủ tục đăng lý nuôi con nuôi tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005…  

Minh Đức