Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 91,65%

30/11/2024
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 91,65%
Chiều 30/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Có 439/463 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,65% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, với tỷ lệ tán thành chiếm đa số, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Trước đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và có Báo cáo đầy đủ số 1116/BC-UBTVQH15 ngày 30/11/2024 gửi các ĐBQH. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 81 điều (giảm 49 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành).
 
Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất chỉnh lý các nội dung liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.
Về áp dụng pháp luật (Điều 3): Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH xin phép Quốc hội cho giữ Điều 3 và đã chỉ đạo các cơ quan thống nhất chỉnh lý nội dung Điều này và thể hiện như dự thảo Luật. Quy định như vậy bảo đảm bao quát, thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo và rõ ràng khi áp dụng pháp luật.
Về phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện tại khoản 3, khoản 13 Điều 5, Điều 17, trong đó làm rõ việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và việc hỗ trợ của Nhà nước đối với tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt của hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng tái tạo phụ thuộc vào nguồn năng lượng tái tạo, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trường hợp khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đáp ứng đủ điều kiện thì được áp dụng các cơ chế ưu đãi để đầu tư xây dựng điện năng lượng tái tạo theo quy định của Luật này.
Về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới: Một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ để không xảy ra các sai phạm trong thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hoá sai phạm các dự án điện năng lượng tái tạo.
UBTVQH cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
 
Các ĐBQH ấn nút thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)

Về giá điện, giá dịch vụ về điện và thị trường điện (Chương V): Đối với nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, UBTVQH thấy rằng, việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền là cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW. Hiện nay, giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá điện giữa các vùng miền. Đối với bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ thông qua xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ điện gây ra cho hệ thống điện.
Việc thực hiện giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (như tiến độ thực hiện và mức độ tái cơ cấu ngành điện, các chính sách/công cụ về tài chính khả thi để thực hiện giảm bù chéo...), cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng để xây dựng phương án lộ trình cụ thể; việc quy định để thực hiện xoá bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định lộ trình xoá bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện đồng bộ với các cấp độ phát triển thị trường điện như thể hiện tại điểm d khoản 2 Điều 39 và điểm c khoản 3 Điều 50.
 
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ 91,65% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên tại khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19. Đối với thị trường điện kỳ hạn là vấn đề mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm ở Việt Nam, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi đưa vào dự thảo Luật, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết như thể hiện tại khoản 6 Điều 45.
Về hiệu lực thi hành: Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định Luật có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.