Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu: Từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia

30/11/2024
Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu: Từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia
Chiều 30/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu. Kết quả, với 451/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94.15% tổng số ĐBQH, Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu, qua đó từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia.
Giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới
Luật Dữ liệu được thông qua có 05 chương với 46 điều, quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.  
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn; đề nghị quy định về thời gian cung cấp dữ liệu và cơ chế bảo đảm tính khả thi; quy định rõ nguồn dữ liệu nào bắt buộc phải cung cấp, nguồn dữ liệu thuộc loại phải lưu trữ; đề nghị cân nhắc về việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 18 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đối với một số nội dung về yêu cầu, hình thức, thời gian, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân…, UBTVQH đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thuận lợi và tính khả thi của điều luật.
Về công khai dữ liệu, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều này theo hướng quy định có tính nguyên tắc về công khai dữ liệu, hình thức công khai dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công bố dữ liệu được công khai, thời điểm công khai đối với từng loại dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về từng nội dung cụ thể.
Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, rà soát và chỉnh lý tên Điều này thành “Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới” để bảo đảm tính bao quát và bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật”; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung Điều này.
Ngoài ra, UBTVQH thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, cần tiếp tục đánh giá trong quá trình thi hành Luật. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, UBTVQH đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số
Về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là nguồn tài nguyên dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng. Việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được chia sẻ phục vụ việc khai thác chung cho các Bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được cập nhật, đồng bộ, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định giao “Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và lộ trình thực hiện việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia” tại khoản 4 Điều 34 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm tránh lãng phí.
 
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu.

Về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát gom nội dung Chương IV dự thảo Luật Chính phủ trình, gồm các điều 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47 thành Mục 1 của Chương III quy định về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm 03 điều (Điều 30 quy định về cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia; Điều 31 quy định về trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia, trong đó có quy định nhằm bảo vệ, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tấn công, đột nhập, phá hoại, các nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin tại Trung tâm dữ liệu quốc gia; Điều 32 quy định về bảo đảm nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia).
Bên cạnh đó, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đảng uỷ Công an Trung ương đã báo cáo cấp có thẩm quyền và được đồng ý với chủ trương xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trực thuộc Bộ Công an quản lý. Chính phủ đã ban hành nghị định thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy.
Về sàn giao dịch dữ liệu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý Điều 53 dự thảo Luật chính phủ trình (nay là Điều 42 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) theo hướng đổi tên Điều thành “Sàn dữ liệu”, chỉ quy định nội dung cơ bản về sàn dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung theo thẩm quyền. Qua đó, từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số.