Một vài suy nghĩa về khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự

30/10/2008

              1. Thực trạng về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự:

 Công tác thi hành án dân sự là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án sẽ làm phát sịnh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ về tài sản của các bên đương sự. Do tính chất công việc phức tạp như vậy, việc khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự là điều khó trách khỏi. Hoạt động thi hành án là hoạt động diễn ra sau khi kết thúc quá trình tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành trên thực tế, khôi phục lại tình trạng ban đầu của các quan hệ pháp luật bị xâm hại trước đó. Chính vì vậy, chất lượng và hiệu quả của việc thi hành án dân sự phụ thuộc rất lớn vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong các giai đoạn tố tụng, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố và xét xử công minh, khách quan, đúng pháp luật, kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của đương sự, thì việc thi hành án sẽ thuận lợi, nhanh chóng và hạn chế được rất nhiều việc khiếu nại, tố cáo của các bên đương sự và người có liên quan. Trong quá trình tổ chức thi hành án cho thấy, nhiều đương sự có điều kiện thi hành án nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, thậm chí có trường hợp còn chống đối quyết liệt, nhiều trường hợp không hiểu trình tự thủ tục thi hành án hoặc lợi dụng quyền tư do dân chủ của công dân làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng qui định của pháp luật, nhằm để trì hoãn việc thi hành án. Nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo, nhưng cơ quan Thi hành án dân sự đã giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền nhưng các đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước, thậm chí có trường hợp còn tổ chức tụ tập đông người, kéo đến các cơ quan Đảng, nhà nước, gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị hoặc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

 Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ khi Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 được ban hành của các cơ quan Thi hành án dân sự luôn có sự quan tâm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem công tác giải quyết khiếu nại tố cáo là một công tác lớn trong công tác Thi hành án dân sự. Vì vậy, đã tăng cường, tập trung giải quyết và chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, hạn chế phát sinh mới, chú trọng tiến độ, thời hạn, chất lượng giải quyết, tăng cường đối thoại, giải thích, giáo dục, thuyết phục, kết hợp với đi xác minh thực tế, tập hợp đầy đủ các thông tin, diễn biến của vụ việc, kể cả tâm tư nguyện vọng của đương sự, qua đó căn cứ vào qui định của pháp luật ra quyết định giải quyết phù hợp. Nhờ đó, mà trong những năm gần đây, việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vưc thi hành án dân sự đã giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan Thi hành án dân sự chưa coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn đùn đẩy né tránh; việc phân công, bố trí người làm công tác tham mưa giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế về nghiệp vụ; công tác tiếp công dân ở các cơ quan Thi hành án dân sự tuy có duy trì nhưng không được thường xuyên, việc bố trí phòng tiếp dân còn tạm bợ, chắp vá. Một số đơn vị giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm, thiếu chặt chẽ làm cho đương sự bức xúc khiếu nại nhiều lần, vượt cấp.

2. Nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng:

- Lượng việc thi hành án hàng năm phát sịnh ngày càng nhiều, năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, số lượng việc thi hành án còn tồn đọng chuyển qua năm sau nhiều và có xu hướng tiếp tục gia tăng nhưng chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết dứt điểm; một số cơ quan Thi hành án có số lượng án quá lớn dẫn đến quá tải (một chấp hành viên hàng năm phải thụ lý thi hành trên 500 việc) Trong khi đó, biên chế ở một số đơn vị được Bộ Tư pháp phân bổ chưa đáp ứng theo yêu cầu công việc.

- Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thiếu quan tâm trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở địa phương; các cơ quan hữu quan thiếu sự phối hợp thi hành án, có nhiều vụ việc còn đùn đẩy, né tránh làm cho việc thi hành án dân sự ở từng lúc, từng nơi gặp nhiều trở ngại. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên chưa thật sự đầy đủ, chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Kinh phí hoạt động, trang thiết bị, phương tiện làm việc chưa đáp ứng theo yêu cầu công việc; các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức chưa tương xứng với hoạt động đặc thù của công tác Thi hành án dân sự. Do đó, từng lúc từng nơi tinh thần trách nhiệm công việc của cán bộ, công chức chưa cao, chưa tận tâm với công việc được giao.

- Về thể chế: Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và một số văn bản hướng dẫn đã được ban hành thay thế Pháp lệnh năm 1993, nhưng trong những năm qua nhất là từ khi nước ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, các quan hệ mới về kinh tế, lao động, thương mại, dân sự … phát sinh ngày càng nhiều, các văn bản qui phạm pháp luật mới được ban hành đã qui định nhiều vấn đề mới, vì thế một số quy định trong Pháp lênh thi hành án dân sự năm 2004 không còn phù hợp, thiếu các qui định cụ thể để điều chỉnh các quan hệ mới, khiến cho việc thi hành án gặp nhiều khó khăn, thậm chí có trường hợp để giải quyết được cần phải tổ chức họp liên ngành, họp ban chỉ đạo thi hành án, nhiều trường hợp phải tổ chức họp nhiều lần, kéo dài thời gian nên đã gây ra sự chậm trễ trong việc thi hành án dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của đương sự. Mặt khác, các qui định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 chưa được cụ thể, chưa qui định một số vấn đề có liên quan. Hiện tại, Pháp lệnh mới qui định về thẩm quyền, thời hạn, hình thức giải quyết khiếu nại, tố cáo mà chưa có qui định cụ thể về trình tự thụ lý, lập, lưu trữ hồ sơ và việc tổ chức thực hiện quyết định khiếu nại, tố cáo đối với các bên đương sự.

- Một nguyên nhân đã ảnh hưởng trực tiếp và làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã được tổ chức thi hành án xong, lại bị Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên kháng nghị yêu cầu xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, có nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm liền nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử xong. Nhiều trường hợp đang tổ chức thi hành án thì bị Tòa án, Viện Kiểm sát yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại quyết định, bản án của Tòa án cấp dưới và sau đó xét xử lại trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng hoài nghi của các đương sự đối với việc xét xử và thi hành án, khiến họ không an tâm khi thực hiện quyền và nghĩa vụ thi hành án. Có trường hợp, trong quá trình tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng chưa phối hợp thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản, để đảm bảo thi hành án. Nhiều trường hợp bản án, quyết định của toà án tuyên không rõ ràng, không có tính khả thi, có sai lầm hoặc sai sót về số liệu nhưng cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu không được Tòa án kịp thời giải thích. Nhiều vụ việc đã tổ chức kê biên, định giá, bán đấu giá nhưng phải tổ chức lại nhiều lần do không có người mua tài sản. Những vấn đề nói trên phần nào gây bức xúc cho đương sự dẫn đến khiếu nại. Có nhiều trường hợp người phải thi hành án lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo làm đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật hoặc gây rối, cản trở, trốn tránh việc thi hành án khiến cho bản án kéo dài, chưa thể thi hành được.

- Một số ít Trưởng Thi hành, Chấp hành viên, cán bộ, công chức Thi hành án dân sự trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiều trường hợp để đương sự yêu cầu nhiều lần nhưng không có biện pháp giải quyết thoả đáng, kịp thời hoặc không giải thích cụ thể để đương sự hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Một số ít cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự thiếu tinh thần trách nhiệm trong công vụ, chưa tích cực học tập để nâng cao trình độ nhận thức, năng lực chuyên môn theo yêu cầu của công việc, tác nghiệp chậm, còn lúng túng trong việc xử lý những tình huống trong quá trình tổ chức thi hành án. Nhiều trường hợp chấp hành viên chậm xác minh, phân loại án, xác định điều kiện thi hành án hoặc không kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với những trường hợp đương sự có điều kiện thi hành. Một số chấp hành viên, cán bộ thi hành án chưa nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật về thi hành án, trong tác nghiệp còn cẩu thả, tùy tiện dẫn đến sai sót, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo của đương sự.

          3. Những giải pháp và đề xuất nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất thiết phải sớm ban hành đầy đủ, đồng bộ pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong việc khiếu nại tố cáo; cần qui định chặt chẽ về thẩm quyền, hình thức, nội dung, hiệu lực của quyết định và trách nhiệm của cơ quan và các bên có liên quan. Bên cạnh đó, cần phải chú trong đến công tác phân công cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, đảm bảo được chính xác, đúng pháp luật, đồng thời Bộ Tư pháp phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ cũng như tác nghiệp trong việc tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thi hành án dân sự. Đối với những trường hợp khiếu nại bức xúc, kéo dài, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương, yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương dành thời gian nghe Trưởng Thi hành án dân sự báo cáo, đề xuất để chỉ đạo giải quyết. Chỉ đạo các ngành có chức năng tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của cán bộ và nhân dân đối với việc chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

          - Những vụ việc thi hành án dân sự có khiếu nại bức xúc kéo dài mà nguyên nhân do các đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân không chấp hành án cần phải có biện pháp yêu cầu thực hiện việc thi hành án. Những trường hợp do các ngành, các cơ quan hữu quan chưa thống nhất ý kiến, thiếu đồng tình với phán quyết của Tòa án thì phải có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời, rõ ràng, ngăn ngừa việc đương sự lợi dụng khiếu nại kéo dài, vượt cấp gây mất trật tự, an toàn ở địa phương.

- Trưởng Thi hành án dân sự phải có trách hiện phân loại đơn, xác định nội dung và nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo, nắm bắt nguyện vọng của người khiếu nại, tố cáo để chủ động đề ra những biện pháp giải quyết cho phù hợp, làm rõ đúng sai, phân công trách nhiệm của từng cá nhân, ấn định thời hạn để giải quyết thích hợp. Đối với việc khiếu nại, tố cáo do nguyên nhân khách quan, liên quan đến các ngành, các cấp thì cần tập hợp đầy đủ các thông tin, những vấn đề vướng mắc để kiến nghị với cơ quan liên quan, báo cáo Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND cùng cấp và Bộ Tư pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết. Đối những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Trưởng thi hành án dân sự địa phương cần xem xét thì phải thụ lý, lập thủ tục giải quyết kịp thời, ngay tại nơi phát sinh, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tôn trọng người khiếu nại, tố cáo, không được định kiến, xem thường, thờ ơ hoặc có các biểu hiện khác. Đối với các khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền hoặc khiếu nại, tố cáo nội dung không rõ ràng thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển trả cho người khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bằng hình thức ra quyết định giải quyết, chấm dứt việc ra công văn trả lời cho đương sự.

Võ Công Hoàng - THADS Bình Định