Từ cơ cấu tổ chức, quyền hạn của ngành Tư pháp ở một số nước trên thế giới: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

09/07/2008
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ Tư pháp mới đây đã tổ chức buổi tọa đàm về mô hình và kinh nghiệm của một số nước trong tổ chức ngành Tư pháp. Đây là một hoạt động nhằm phục vụ cho Đề tài “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hóa” do Bộ trưởng làm Chủ nhiệm. Tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học cho thấy, nhiều kinh nghiệm có thể được ứng dụng vào quá trình xây dựng chiến lược phát triển ngành Tư pháp Việt Nam giai đoạn tới

Tổ chức ngành Tư pháp - rất đa dạng

Điều dễ nhận thấy nhất là mỗi quốc gia đều có mô hình tổ chức ngành Tư pháp của riêng mình. Trong số đó, Bộ Tư pháp của Cộng hoà Pháp có khá nhiều điểm tương đồng với Bộ Tư pháp Việt Nam. Cụ thể, Bộ cũng có chức năng xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật; quản lý nhà nước đối với các hoạt động nghề nghiệp tư pháp bổ trợ như luật sư, công chứng, giám định tư pháp, lý lịch tư pháp quốc gia…; quản lý nhà nước các hoạt động thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, đề án nghiên cứu khoa học pháp lý. Tuy nhiên, Bộ không có nhiệm vụ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (việc này do một cơ quan độc lập với Chính phủ tiến hành). Bộ Tư pháp của Pháp chủ yếu quản lý công tác thi hành án hình sự, trong thi hành án dân sự chỉ bổ nhiệm các Thừa phát lại. Ngoài ra, Bộ còn quản lý nhà nước đối với các chức danh tư pháp như thẩm phán, công tố viên, cảnh sát tư pháp, lục sự… Trong tổ chức bộ máy, vì không có chức danh Thứ trưởng nên Văn phòng Bộ có vai trò khá quan trọng. Chánh Văn phòng thường được Bộ trưởng uỷ quyền giải quyết một số công việc thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng.

Bộ Tư pháp nước CHLB Đức cũng có chức năng chính là tham gia các hoạt động lập pháp. Không những thế, Bộ còn làm tư vấn và kiểm tra tính pháp lý (gồm kiểm ta tính hợp hiến, hợp pháp, việc tuân thủ các chuẩn mực kỹ thuật) của các dự thảo luật được các Bộ khác soạn thảo. Theo Hiến pháp của Đức, Bộ Tư pháp có thẩm quyền quản lý 3/5 toà án tối cao liên bang và Toà án Sáng chế liên bang. Điểm đặc biệt trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp liên bang ở chỗ, Bộ trưởng Tư pháp cùng với Thư ký nhà nước của Nghị viện và Thư ký nhà nước hợp thành một thiết chế gọi là “lãnh đạo chính trị”.

Ngay trong các nước theo hệ thống pháp luật “Common Law” như Anh, Hoa Kỳ, Australia, Singapore thì ngành Tư pháp được tổ chức và có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất khác nhau. So với Anh, Australia, Singapore, ngành Tư pháp Hoa Kỳ được tổ chức tập trung và hoàn chỉnh hơn cả. Với cơ cấu tổ chức phức tạp và đầy quyền lực, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đảm nhiệm hầu hết chức năng thực thi và bảo vệ công lý, chỉ chia sẻ một phần chức năng này cho hệ thống toà án chứ không có sự phân chia chức năng cho nhiều cơ quan khác nhau trong bộ máy hành pháp. Điểm khác biệt lớn nhất là Bộ Tư pháp Anh, Bộ Pháp luật Singapore và Bộ Tổng Chưởng lý Australia, không có chức năng công tố như Hoa Kỳ.

Việt Nam cần cải tổ mạnh mẽ

Theo TS Nguyễn Thị Ánh Vân, với cơ cấu tổ chức hiện nay, sự tham gia của Bộ Tư pháp Việt Nam vào hoạt động lập pháp thiếu hẳn tính chuyên nghiệp. Vì vậy, bà Vân cho rằng, cần thành lập một đơn vị mới chuyên trách về hoạt động lập pháp trực thuộc Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, trong khi ngành Tư pháp của nhiều nước có chức năng tư vấn pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ thì Bộ Tư pháp Việt Nam không có chức năng này mà mới chỉ được thừa nhận là một cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về một số lĩnh vực luật định. Bà Vân khẳng định, nếu vai trò cố vấn pháp lý cho Chính phủ của Bộ được luật hoá, nhà nước sẽ khai thác được thế mạnh của Bộ - là nơi quy tụ nguồn nhân lực dồi dào, có kiến thức chuyên sâu trên mọi lĩnh vực của khoa học pháp lý và Bộ sẽ có cơ sở pháp lý để thể hiện quan điểm của mình một cách thường xuyên hơn, bao quát hơn.

Căn cứ Nghị quyết lần thứ VIII BCH TƯ Đảng khoá VII và Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, một số chuyên gia nhấn mạnh, đã đến lúc phải xác định lại phạm vi hoạt động trong lĩnh vực quản lý công tác thi hành án của Bộ Tư pháp. Theo đó, sẽ hoàn toàn khả thi khi chuyển bộ phận trại giam, gồm cả nhân sự và cơ sở vật chất từ Bộ Công an đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. Nếu so với cuộc chuyển giao được tiến hành vào tháng 5/2007 ở Vương quốc Anh (chuyển quản lý toàn bộ nhân sự và cơ sở vật chất từ Bộ về các vấn đề Hiến pháp sang cho Bộ Tư pháp non trẻ), rõ ràng quy mô của cuộc chuyển giao ở Việt Nam sẽ không quá to tát.

Có nhà khoa học kiến nghị, việc cho phép Bộ Tư pháp tư vấn cho Chính phủ trong việc bổ nhiệm thẩm phán ở Anh, Hoa Kỳ và Australia là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu. Khác với cơ chế tuyển chọn thẩm phán ở Việt Nam, các chuyên gia pháp lý Bộ Tư pháp của những nước trên thường xem xét, đánh giá và đưa ra lời khuyên có căn cứ xác đáng, giúp nhà nước lựa chọn chuẩn xác đội ngũ thẩm phán có những phẩm chất cần thiết cho công tác xét xử.

Hoàng Thư