Khiếu nại, tố cáo trong ngành Tư pháp: Giảm số lượng, tăng tính phức tạp

06/06/2008
Thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp luôn cố gắng thực hiện tốt Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ. Theo đó, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tiếp công dân vào sáng thứ tư hàng tuần, Chánh Thanh tra tiếp công dân vào chiều thứ tư hàng tuần và Bộ trưởng tiếp công dân vào ngày 15 hàng tháng. Nhờ vậy, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được tiếp nhận và chuyển đi kịp thời, đúng địa chỉ. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện tình trạng khiếu kiện đông người, cho dù vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Tư pháp.

Quan tâm chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, lãnh đạo Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng sớm xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự và thường xuyên bố trí lịch để nghe Thanh tra Bộ báo cáo về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. So với các năm trước, số lượng công dân đến Phòng tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị những nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp có chiều hướng giảm (khoảng 20%) và tăng những nội dung không thuộc thẩm quyền của Bộ (hơn 7%). Trong đó chủ yếu là khiếu nại về lĩnh vực thi hành án dân sự (chiếm 82,6%), tiếp đến là về lĩnh vực hành chính tư pháp, con nuôi có yếu tố nước ngoài, luật sư (chiếm 17,4%). Còn lại, công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh những nội dung không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp (phần lớn khiếu nại bản án, tranh chấp đất đai), chiếm 27,5%. Đặc biệt, đã có 85 người dân của TP. HCM tới khiếu nại về việc đền bù đất đai - không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp. Sau khi được Lãnh đạo Bộ tiếp và giải thích, hiện nay, Đoàn khiếu nại trên đã không đến Bộ Tư pháp tiếp khiếu nữa. Riêng năm 2007, 14 trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài về thi hành án dân sự thường xuyên đến Bộ Tư pháp hoặc đến nhà lãnh đạo Bộ, thậm chí đến cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ để khiếu nại, khiếu kiện. Một số trường hợp quá khích đã chửi bới, lăng mạ cán bộ tiếp dân, Chánh Thanh tra, thậm chí doạ sẽ tự thiêu. Họ còn lôi kéo thêm những người khác cùng đi khiếu kiện gây ra tình trạng mất trật tự tại cổng cơ quan Bộ Tư pháp.

Tương tự, số đơn thư khiếu nại của công dân (95% tập trung vào lĩnh vực thi hành án) mà Thanh tra Bộ nhận được cũng giảm khoảng 40% so với cùng kỳ, trong đó số đơn thuộc thẩm quyền tiếp nhận giảm 57,3%, số đơn không thuộc thẩm quyền giảm 26%. Nhưng tính chất phức tạp của các vụ việc có xu hướng gia tăng như vụ khiếu nại của bà Vũ Kiều Trinh (Lào Cai), bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Đồng Nai), ông Nguyễn Hữu Trấn, bà Ngô Bích Thuận (Hà Nội)... Đối với đơn thư thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án địa phương, căn cứ Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ đã có Công văn yêu cầu, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết hoặc chuyển Cục Thi hành án dân sự giải quyết theo thẩm quyền. Đối với đơn thư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, sau khi nghiên cứu, Thanh tra Bộ kiến nghị lãnh đạo Bộ giao Thanh tra chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xác minh làm rõ để kiến nghị giải quyết. Còn đơn thư không thuộc thẩm quyền cũng được Thanh tra Bộ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hiện hành là hướng dẫn công dân hoặc chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ Tư pháp rất coi trọng việc tổ chức đối thoại trực tiếp với các đương sự (người khiếu nại, tố cáo; người bị khiếu nại, tố cáo và những người có liên quan).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, Thanh tra Bộ vẫn còn một số điểm tồn tại cần khắc phục như chưa đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật; công tác thanh tra còn chưa toàn diện, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành; hoạt động thanh tra, kiểm tra tuy đã đem lại được nhiều kết quả, các kết luận đều có chất lượng nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành. Những hạn chế này một phần là do nguyên nhân chủ quan, song thường xuất phát từ những nguyên nhân khách quan. Chẳng hạn, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hiện hành là quá ngắn so với yêu cầu thực tế, trong khi tính chất của các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng hầu hết là những vụ việc hết sức phức tạp, cần phải làm thật khách quan, thu thập chứng cứ và họp bàn liên ngành nên không đảm bảo thời gian như luật đã quy định; số lượng biên chế của Thanh tra Bộ và các Sở Tư pháp còn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc khi mà khối lượng công việc thanh tra chuyên ngành và thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều và phức tạp; cơ chế phối, kết hợp trong công tác với các cơ quan có liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ chưa thực sự hiệu quả.

Hoàng Thư