Hội thảo về chi phí trong các hợp đồng dầu khí và chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực dầu khí

28/11/2007
Nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật thuế trong và ngoài nước đối với lĩnh vực dầu khí, ngày 26-27/11/2007 vừa qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Chính (Tổng Cục Thuế) tổ chức Hội thảo về chi phí trong các hợp đồng dầu khí và chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực dầu khí do các chuyên gia nước ngoài của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (thành viên của Deloitte Touche Tohmatsu - một trong bốn Công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới) giảng dạy.

Hội thảo được tổ chức tại khách sạn Melia Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các Bộ ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày sơ lược về chu trình kinh doanh của các doanh nghiệp Dầu khí và các quy định về thuế của các nước trong lĩnh vực Dầu khí. Theo đó, các quy định pháp luật về thuế đối với hoạt động Dầu khí trong và ngoài nước, bao gồm các giai đoạn: trước khi có quyền khai thác và giai đoạn thương thảo quyền khai thác; tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng; phát triển và khai thác; thu dọn và "chuyển nhượng lợi ích" trong  Hợp đồng Dầu khí.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh Dầu khí là một ngành đặc thù bởi khả năng để chuyển từ giai đoạn tìm kiếm thăm dò sang giai đoạn phát triển thường nhỏ hơn 40%, nghĩa là khả năng tìm được dầu sau khi tìm kiếm, thăm dò thường nhỏ hơn 40%, do vậy không giống như các doanh nghiệp thuộc những ngành kinh doanh khác, các công ty dầu khí thường phải đương đầu với vấn đề lãng phí tài sản. Chính vì thế để khuyến khích đầu tư và phát triển trong lĩnh vực dầu khí đòi hỏi phải có chính sách thuế phù hợp. Hiện nay, trên thế giới thuế và chi phí phát sinh trong lĩnh vực Dầu khí được xác định theo những nguyên tắc sau: Xác định kết quả kinh doanh theo từng dự án/ hợp đồng; Chuyển lỗ sang các năm trước và sau năm phát sinh  lỗ; Thuế suất thuế thu nhập áp dụng riêng đối với hoạt động Dầu khí; Chi phí phát sinh trước khi có quyền khai thác dầu khí; Chi phí phát sinh để có quyền khai thác dầu khí; Chi phí tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng; Chi phí phát triển; Chi phí khai thác; Chi phí khắc phục tác động đối với môi trường (bao gồm chi phí thu dọn); Chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng lợi ích trong Hợp đồng Dầu khí.

Thông qua việc phân tích nội dung, ý nghĩa của từng nguyên tắc và so sánh việc có hoặc không áp dụng những nguyên tắc nêu trên của Việt Nam và một số nước trong khu vực và trên thế giới có ngành kinh doanh Dầu khí phát triển như Úc, Canada, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Anh, Mỹ… các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Deloitte đã mang đến cho các đại biểu tham gia Hội thảo cái nhìn tổng thể và sâu sắc hơn về chính sách thuế của Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới đối với lĩnh vực Dầu khí. Hội thảo thực sự là cơ hội tốt để các chuyên gia trong và ngoài nước học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện pháp luật về Dầu khí nói chung và pháp luật về thuế trong lĩnh vực Dầu khí nói riêng nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển ngành kinh doanh đầy đặc thù này.

Thu Phương