Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc con tàu KN491 rẽ sóng rời cảng Cam Ranh, bắt đầu hải trình vượt hàng trăm hải lý để đến với Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc. Tôi hiểu rằng Trường Sa không chỉ là một điểm đến, mà là nơi hun đúc lý tưởng sống, là biểu tượng bất khuất của chủ quyền dân tộc.
Chuyến đi càng trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 50 năm Giải phóng quần đảo Trường Sa và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần VI. Những dấu mốc lịch sử, hào hùng ấy như hòa quyện vào từng khoảnh khắc của hải trình, khiến tôi cảm nhận sâu sắc về lòng tự hào, về lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, về truyền thống phụng sự và xây dựng Nhà nước pháp quyền mà Bộ, ngành Tư pháp không ngừng gìn giữ và phát huy.
Trong chuyến đi này, tôi vinh dự được đến thăm những hòn đảo thiêng liêng giữa trùng khơi và Nhà giàn DKI tại quần đảo Trường Sa, được gặp gỡ những người lính trẻ đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng, được lắng nghe những câu chuyện giản dị mà nhưng đầy tự hào về cuộc sống, nhiệm vụ và tình yêu biển đảo. Những nụ cười lạc quan, ánh mắt kiên cường của họ là điều tôi sẽ không bao giờ quên.

Cũng trong chuyến công tác đặc biệt này, được sự đồng ý và tin tưởng của Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng và Đoàn cơ sở Văn phòng Bộ Tư pháp, bản thân tôi rất vinh dự và tự hào khi được đại diện cho tuổi trẻ Văn phòng Bộ Tư pháp trực tiếp trao tặng những lá cờ Tổ quốc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, công tác trên huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Những lá cờ không lớn về giá trị vật chất, nhưng lại chứa đựng ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Đó là biểu tượng của hồn thiêng sông núi, của chủ quyền bất di bất dịch và cũng là lời nhắn gửi đầy yêu thương từ đất liền: “Trường Sa vì Tổ quốc, Tổ quốc vì Trường Sa”.
Đại tướng Phan Văn Giang từng nói: “Những ai đến Trường Sa, về sẽ yêu Tổ quốc hơn rất nhiều”. Quả thực, khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống gian khó nhưng kiên cường của quân và dân trên huyện đảo, tôi mới thấm thía trọn vẹn ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “Tổ quốc”. Tình yêu nước không còn là khái niệm xa xôi trong sách vở, mà hiện hữu trong từng nụ cười lạc quan của chiến sĩ, từng lá cờ tung bay giữa trùng khơi, từng ánh mắt kiên cường dõi về phía chân trời giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của biển đảo, của Tổ quốc.
Hành trình tuổi trẻ đầy thiêng liêng và tự hào khi được đặt chân đến quần đảo Trường Sa không kết thúc khi con tàu trở về đất liền, mà nó còn là điểm khởi đầu cho một hành trình mới trong tôi - hành trình của sự trưởng thành, của khát vọng cống hiến và niềm tin sắt son với Tổ quốc.
Đinh Hoàng Yến
Văn phòng Bộ Tư pháp