Hơn 65 triệu dữ liệu hộ tịch được số hóa

02/10/2024
Hơn 65 triệu dữ liệu hộ tịch được số hóa
Tính đến ngày 1/10/2024, Hệ thống thông tin danh mục và quản lý Hộ tịch 158 đã có hơn 65 triệu dữ liệu đã được số hóa. Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch, việc số hoá các dữ liệu hộ tịch nêu trên là vô cùng cần thiết, qua đó thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Số hóa dữ liệu hộ tịch mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, cán bộ quản lý Nhà nước và đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử; góp phần bảo quản hồ sơ, dữ liệu hộ tịch dễ dàng, hạn chế hư hại về mặt vật lý; tiết kiệm không gian, chi phí, nguồn nhân lực và phải lưu trữ số lượng lớn hồ sơ hàng năm; truy xuất dữ liệu dễ dàng, nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian tìm hồ sơ gốc, từ đó giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính... 
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp, tính đến ngày 2/10/2024, Hệ thống đã ghi nhận gần 97 triệu dữ liệu, trong đó:
 
Lĩnh vực Dữ liệu 
Đăng ký Khai sinh 56.876.232 
Trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định 11.639.118 
Đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế 5.717.860  
Đăng ký kết hôn 15.567.042 
Yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 14.046.337 
Đăng ký khai tử 8.747.861 
Đăng ký nhận cha mẹ con 351.060 
Đăng ký giám hộ 25.502 
Đăng ký nhận nuôi con nuôi  20.042 
Cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc 1.092.882 
 
Đặc biệt, trên phần mềm hộ tịch 158 có hơn 65 triệu dữ liệu đã được số hóa (trong đó, khai sinh có hơn 41.441.180 dữ liệu; trên 7.002.760 dữ liệu khai tử; trên 12.503.774 dữ liệu kết hôn; trên 4.335.664 dữ liệu xác nhận tình trạng hôn nhân và 211.726 dữ liệu cha, mẹ, con).
 
 
Tại Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 - Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm 2024 là năm Số hóa dữ liệu.  Nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch theo đúng thời hạn Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định (trước 01/01/2025), thực hiện năm Số hóa dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần thực hiện một số giải pháp như:
Về phía Trung ương
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp và nâng cấp Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch. 
Bộ Tư pháp cần tiếp tục tăng cường duy trì, vận hành ổn định Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử để đáp ứng yêu cầu tại địa phương như: đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án “Đầu tư hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp giai đoạn 2022-2025”, Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch” trong giai đoạn 2022 - 2025. Sau khi hạ tầng được nâng cấp, Cơ sở dữ liệu hộ tịch được hoàn thiện, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch sẽ hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu đăng ký, quản lý hộ tịch trên môi trường điện tử và tiếp nhận được đầy đủ kết quả số hóa của địa phương.
Tăng cường nhân lực hỗ trợ địa phương xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quá trình số hóa, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ số hóa, kịp thời giải đáp các vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện.
Tổ chức kiểm tra việc số hóa tại các địa phương, nhất là với các địa phương còn chậm tiến độ và các địa phương giao cho công chức tư pháp – hộ tịch tự số hóa và nhập liệu thông tin (không thuê đơn vị chuyên môn về CNTT).
Phát động đợt thi đua chuyên đề về việc đẩy nhanh tiến độ số hóa Sổ hộ tịch ở các địa phương, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong Quý III/2024 (Quyết định số 818/QĐ-BTP ngày 10/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
 
 
Về phía địa phương
Xác định việc hoàn thành số hóa sổ hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã để xây dựng CSDLHTĐT là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp năm 2024. Tùy thuộc tình hình số hóa tại các địa phương, phân nhóm và thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể như sau:
 (i) Đối với các địa phương đã hoàn thành số hóa và cập nhật dữ liệu vào CSDLHTĐT 
Cơ quan đăng ký hộ tịch chủ động phối hợp với cơ quan công an thực hiện rà soát đối chiếu, xử lý dữ liệu sai lệch giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC theo hướng dẫn tại Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC
(ii) Đối với các địa phương đã hoàn thành số hóa nhưng đang phê duyệt, chuyển dữ liệu vào CSDLHTĐT
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, chuyển dữ liệu từ Phần mềm hộ tịch 158 vào CSDLHTĐT; rà soát đối chiếu, xử lý dữ liệu sai lệch giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC theo Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC. 
 (iii) Đối với các địa phương thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch từ Sổ hộ tịch trên nền CSDLQGVDC theo Quy trình 1292/HTQTCT-QLHC
Quan tâm bố trí nguồn lực để scan, đính kèm trang sổ tương ứng, phê duyệt, chuyển dữ liệu vào CSDLHTĐT, hoàn thiện việc số hóa.
(iv) Đối với các địa phương đang thực hiện hoặc có nguy cơ không hoàn thành 
Các địa phương có nguy cơ không hoàn thành, UBND tỉnh cần bố trí kinh phí, chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ số hoá sổ hộ tịch; kịp thời thực hiện rà soát đối chiếu, xử lý dữ liệu sai lệch giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC theo hướng dẫn tại Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC đối với dữ liệu đã được chuyển vào CSDLHTĐT./.
 
Thu Nga