Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

22/05/2024
Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. 
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
 
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. 
Liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá. Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành. 
Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.
Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản… 
Về Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, dự thảo Luật đã bổ sung tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 15 và điểm b khoản 5 Điều 17 là một trong những trường hợp không được cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, phù hợp với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự. 
Về đăng ký tham gia đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 theo hướng việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá đối với tài sản thông thường, không yêu cầu về điều kiện chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức hành nghề đấu giá chỉ cần thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. 
Về đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến, theo đó, Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác; Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.
Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
 
Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật. Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Chính phủ và các cơ quan liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung đã nêu trong báo cáo và các nội dung như phạm vi sửa đổi luật, quy định về hành vi bị cấm, tài sản đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, các quy định về đấu giá viên, quyền của tổ chức hành nghề đấu giá, chế tài xử lý vi phạm với trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá…
 

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.
 
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…” vì để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi, theo tôi trong trường hợp này không cần quy định “cố ý”, chỉ cần quy định có hành vi “cung cấp thông tin…”. Ngoài ra, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng đề nghị chỉnh sửa nội dung “tổ chức hành nghề đấu giá” thành “tổ chức đấu giá tài sản” để bảo đảm tính chính xác và thống nhất trong việc quy định tên của tổ chức đấu giá trong toàn bộ dự thảo Luật. 
 

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
 
Quan tâm tới quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung tương đối cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, về điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia lớp học đào tạo đấu giá viên, dự thảo Luật quy định 7 nhóm ngành, nghề. Theo đại biểu, nên quy định khái quát hơn về nội dung này. Nếu quy định liệt kê thì nên bổ sung thêm chuyên ngành về quản lý đất đai và mỏ địa chất...
 

Đại biểu Trần Văn Tuấn Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.
 
Góp ý cụ thể về việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 38 (quy định về đăng ký tham gia đấu giá), đại biểu Trần Văn Tuấn Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, tại khoản 23, Điều 1 của dự thảo Luật về bổ sung điểm e vào sau điểm đ, khoản 4, Điều 38 quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá, gồm: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”.  Đại biểu đề nghị không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột", vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có 15 ý kiến phát biểu, 4 ý kiến chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến qua Ban Thư ký Quốc hội để tổng hợp. 
 
 
Phó chủ tịch Quốc hội cho biết: Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao nội dung của dự thảo luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý. 
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương, điều khoản trong dự thảo luật như: phạm vi sửa đổi luật, tính thống nhất với các luật khác; quy định về các điều cấm, tài sản đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; quy định về đấu giá viên, quyền của các tổ chức hành nghề đấu giá; đấu giá trực tuyến, xử lý các trường hợp trong đấu giá; chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; điều khoản chuyển tiếp...
Các ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.