Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Nuôi con nuôi: Trẻ em dưới 16 tuổi được nhận làm con nuôi

21/12/2009
Ngày 18/12, thảo luận về dự án Luật Nuôi con nuôi, nhiều Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ sự nhất trí cao với Ủy ban Pháp luật quy định trẻ dưới 16 tuổi được nhận làm con nuôi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Thu phí không trái Công ước La Hay, nhưng phải làm rõ chi phí hợp lý gồm chi phí gì, ai nhận?

Vấn đề này khi đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu cũng ủng hộ phương án nêu trên, đồng thời đề nghị không áp dụng với trường hợp là “thương binh, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi người già yếu, cô đơn”

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, thì nên quy định một số trường hợp ngoại lệ là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được nhận làm con nuôi trong nước, nước ngoài trong một số trường hợp đặc biệt (như không còn gia đình, người thân thích; cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ, chồng để đoàn tụ gia đình)

Bà Lê Thị Thu Ba ủng hộ phương án về nguyên tắc đối tượng được nhận nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi nhưng bà Ba không đồng ý với quan điểm của Ủy ban Pháp luật trong quy định thêm một số trường hợp đặc biệt, vì bà cho rằng như vậy rất dễ dẫn đến tiêu cực, khó kiểm soát.

 Ngược với bà Ba, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại cho rằng nên có ngoại lệ, nhưng ông còn băn khoăn một số trường hợp cụ thể như con riêng của vợ, con riêng của chồng nếu nhận làm con nuôi thì có được phép không?

Đối với điều kiện nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài, theo dự thảo Luật còn có sự phân biệt, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị chỉnh sửa lại theo hướng như nhau để tránh phân biệt đối xử, dễ gây tổn thương cho trẻ em.

Có nên đặt vấn đề nuôi con nuôi khu vực biên giới?

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong nhiều năm qua, không có trường hợp nuôi con nuôi nào ở khu vực biên giới được đăng ký. Trên thực tế, vẫn có một số trường hợp người nhận nuôi và trẻ em được nhận nuôi không ở các xã biên giới hoặc trẻ em được nhặt về nuôi từ biên giới mà không có giấy tờ liên quan. Do vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Pháp luật đề xuất 2 phương án: không quy định trong luật vấn đề con nuôi; và quy định có tính nguyên tăc trong Luật về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền đặt câu hỏi tại sao lại đặt vấn đề nuôi con nuôi ở biên giới. Theo ông Hiền khái niệm biên giới chưa rõ ràng, ông Hiền cho rằng không nên quy định nội dung này trong luật.

Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên đồng tình: khó xác định con nuôi đó ở trong nước hay nước ngoài.

Cẩn thận hơn, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị phải làm rõ tính chất đặc thù để tính toán có nên quy định vấn đề này hay không?

Còn chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận bổ sung: hay không quy định mà nên có một Hiệp định giữa Việt Nam và các nước.

Giới thiệu con nuôi: Giao Sở Tư pháp là hợp lý

Từ những vụ việc tiêu cực nổi cộm thời gian qua bị dư luận lên án gay gắt, theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì một trong những nguyên nhân chính là hiện nay cơ sở nuôi dưỡng vừa là nơi tiếp nhận trẻ em, vừa là nơi nhận viện trợ nhân đạo từ nước ngoài, đồng thời là nơi giới thiệu trẻ em. Để khắc phục tình trạng này, cần tổ chức lại việc giới thiệu trẻ em.

Tuy nhiên, qua ý kiến của Ủy ban Pháp luật Quốc hội vẫn đưa ra hai phương án: Thứ nhất, việc giới thiệu nuôi con nuôi nước ngoài được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở tỉnh, thành phố do Giám đốc Sở Tư pháp làm chủ tịch, các thành viên gồm Công an, Lao động thương binh, xã hội, y tế… để tư vấn và chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định. Phương án hai, không thành lập hội đồng tư vấn mà giao thẳng cho Sở Tư pháp thực hiện việc giới thiệu trẻ làm con nuôi nước ngoài và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Nhiều Thường vụ ủng hộ phương án thứ hai vì cho rằng xảy ra tiêu cực là do pháp luật còn “hở”, chưa rõ ràng. Nếu quy định chặt chẽ, đầy đủ vào Luật thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Vì xét cho cùng, trong chuyện này trách nhiệm chính vẫn là của Sở Tư pháp dù có thành lập Hội đồng hay không.

Thu Hằng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Cơ bản trong việc nhận nuôi con nuôi là tạo cho trẻ tâm lý bình thường trong gia đình mới, không có phân biệt đối xử. Do đó, cần có ý kiến đồng ý của các thành viên trong gia đình bằng văn bản. Điều này cũng phù hợp với hồ sơ mà Bộ Tư pháp đang tiếp nhận, giải quyết.

Riêng về chuyện phí, lệ phí, Bộ trưởng cho rằng, chuyện thu lệ phí thì rõ rồi, nhưng còn phí, Bộ trưởng đề nghị cho chuyển sang dạng “chi phí hợp lý”, như vậy sẽ phù hợp với Công ước La Hay. Sắp tới nếu Việt Nam ra nhập công ước này thì các khoản thu phí sẽ được kiểm soát tại hội nghị hàng năm thực hiện Công ước. Về ý kiến không thu phí, Bộ trưởng cho rằng “không thu là lý tưởng nhưng e rằng không thực tế”.