Triển khai Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện CS&PL nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm

06/10/2023
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Tư pháp đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2023. Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động quốc gia).
Chương trình hành động quốc gia đặt ra 05 mục tiêu cụ thể, gồm: (1) Nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; (2) Đảm bảo Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (3) Đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; (4) Nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục; (5) Hoàn thiện các chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Chương trình hành động quốc gia đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: (1) Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp người dân; (2) Hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (3) Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành; (4) Chia sẻ thông tin, kết quả các hoạt động, chương trình, đề án; (5) Sơ kết, Tổng kết đánh giá việc triển khai Chương trình hành động quốc gia gắn với 05 lĩnh vực trọng tâm, gồm Đầu tư – Bảo vệ lao động – Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương – Bảo vệ môi trường – Bảo vệ người tiêu dùng.
Các nhiệm vụ nêu trên được giao cho 10 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các tổ chức đại diện doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề); tổ chức khác (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo luật, kinh tế); Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chủ trì, thực hiện một số hoạt động.
Tại Quyết định số 843/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức có liên quan; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để triển khai Chương trình hành động quốc gia, Bộ Tư pháp xác định cần chú trọng đến 05 yếu tố: Chất lượng – Hiệu quả - Thiết thực – Trách nhiệm và Sáng tạo.
Trên cơ sở đó, ngày 02/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2306/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia của Bộ Tư pháp. Kế hoạch của Bộ Tư pháp đưa ra 07 nhóm nhiệm vụ với 14 hoạt động cụ thể. 07 nhóm nhiệm vụ gồm: (i) Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (ii) Hoàn thiện chính sách và pháp luật; (iii) Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật; (iv) Chia sẻ thông tin, kết quả của các hoạt động trong các chương trình, đề án, diễn đàn, hội nghị quốc tế liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (v) Giải đáp, hướng dẫn các vướng mắc pháp lý liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; (vi) Đôn đốc, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức liên quan thực hiện Chương trình hành động quốc gia; (vii) Sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai Chương trình hành động quốc gia. Các nhiệm vụ tại Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia của Bộ Tư pháp được giao cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp gồm: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Cục Quản lý lý xử vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Cục Bổ trợ tư pháp; Trường Đại học Luật Hà Nội; Học viện Tư pháp; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện. Các đơn vị phối hợp gồm: Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Cục Công nghệ thông tin; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Báo Pháp luật Việt Nam; Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật quốc tế; Nhà xuất bản Tư pháp và các đơn vị có liên quan khác.
Việc triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp; đảm bảo thực thi cam kết quốc tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do đó, cần có sự đồng hành của tất cả các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là các doanh nghiệp, trên cơ sở “05 cùng”: Cùng tham dự (tham dự các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực) - cùng tham gia (tham gia vào các trình tự hoàn thiện chính sách, pháp luật theo quy định; tham gia vào các chương trình nghị sự và các nghiên cứu về kinh doanh có trách nhiệm) - cùng đóng góp (tuyên truyền kiến thức và chuyên môn về kinh doanh có trách nhiệm tới các bên liên quan; xây dựng, hoàn thiện các tài liệu truyền thông về kinh doanh có trách nhiệm được phát triển theo Chương trình hành động quốc gia) - cùng hợp tác (hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hành kinh doanh có trách nhiệm; cùng hợp tác để thúc đẩy sự tiếp cận các biện pháp khắc phục hậu quả cho những người bị ảnh hưởng); và cùng chia sẻ (chia sẻ thông tin, thảo luận và tăng cường đối thoại giữa các bên về kinh doanh có trách nhiệm và các vấn đề, sự kiện, hoạt động có liên quan nhằm bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của kinh doanh có trách nhiệm và thực hành hiệu quả Chương trình hành động quốc gia).