Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV sẽ đánh giá về công tác triển khai đối với 52 luật, nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến Kỳ họp thứ 5, bao gồm 23 luật, 29 nghị quyết.
Hôm nay (6/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Bí thư Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội có và 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 2.400 đại biểu tham dự; đồng thời được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và trên nền tảng số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Hội nghị này chính là thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cũng là thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm, nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện, chưa chú trọng đối với các luật, nghị quyết mới được ban hành; việc giám sát văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết trong một số trường hợp chưa đánh giá đầy đủ về tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi và hiệu lực của văn bản, chưa bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Một số luật có số lượng nội dung quy định chi tiết nhiều, nhưng chưa bảo đảm tính cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Còn một số nội dung được luật giao quy định chi tiết thuộc trách nhiệm ban hành văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được các cơ quan chuẩn bị, trình theo đúng kế hoạch, dẫn đến ban hành văn bản chậm, chưa kịp thời.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đối với Chính phủ, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm; một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc.
Trên cơ sở đó, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, đồng thời, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Đây cũng là nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Hội nghị sẽ đánh giá về công tác triển khai đối với 52 luật, nghị quyết, bao gồm 23 luật, 29 nghị quyết, trong đó, có 15 luật, 21 nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến trước Kỳ họp thứ 5 và 8 luật, 8 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Một số nghị quyết về nhân sự, về chương trình giám sát và thành lập đoàn giám sát chuyên đề sẽ không thuộc phạm vi của Hội nghị này.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe 2 Báo cáo quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ khái quát về 4 nội dung chủ yếu: Việc tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và một số giải pháp, kiến nghị; Đánh giá một số vấn đề nổi lên về công tác tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến trước Kỳ họp thứ 5; Công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Một số yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Ngoài ra, Hội nghị sẽ nghe các tham luận của các cơ quan về việc triển khai đối với 21 luật, nghị quyết của Quốc hội, đây là những văn bản quan trọng, có tác động lớn, được dư luận xã hội quan tâm, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ như việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ; việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; việc chuẩn bị triển khai Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…
An Duy