Kết quả đạt được trong việc thực hiện Đề án 06 liên quan đến công tác đăng ký, quản lý hộ tịch

03/08/2023
1. Những nhiệm vụ trong Đề án 06  liên quan đến đăng ký, quản lý hộ tịch
Trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, Đề án 06 đặt ra nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, chiến lược có tính chất, vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về dân cư, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), trong đó có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) với CSDLQGVDC, tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch; nâng cấp, bố trí trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. 
Một số nhiệm vụ cụ thể của Bộ, Ngành Tư pháp trong lĩnh vực hộ tịch cụ thể như sau:
(i) Xây dựng Quy trình cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện,
(ii) Kết nối CSDLHTĐT với CSDLQGVDC, 
(iii) Thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch (đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn) sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ CSDLQGVDC đối với các dịch vụ công đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử,
(iv) Nghiên cứu, rà soát hạ tầng kỹ thuật của ngành tư pháp trong việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân tại UBND cấp xã,
(v) Xây dựng Quy trình đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa CSDLQGVDC với CSDLHTĐT.
2. Các kết quả nổi bật đạt được 
2.1. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC 
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa 02 cơ sở dữ liệu đã được triển khai từ ngày 01/01/2016 (khi Luật Hộ tịch có hiệu lực) và được thực hiện thường xuyên, liên tục, ổn định theo hướng: CSDLHTĐT cung cấp các thông tin khi đăng ký khai sinh cho CSDLQGVDC, CSDLQGVDC cung cấp thông tin số định danh cá nhân cho CSDLHTĐT, thông tin khai sinh của cá nhân trong CSDLHTĐT được xác định là thông tin gốc theo quy định tại khoản 3 Điều 14, khoản 2 Điều 60 Luật Hộ tịch và khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
Hiện tại, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp  và Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06) đã xây dựng và thử nghiệm thành công dịch vụ khai thác thông tin công dân trong CSDLQGVDC trên cơ sở số định danh cá nhân/CCCD/số CMND của công dân; dịch vụ đồng bộ thông tin giữa 02 cơ sở dữ liệu; mở rộng việc đồng bộ dữ liệu giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC đối với việc hộ tịch: thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; khai tử (tình trạng còn sống, đã chết, mất tích); kết hôn/tình trạng hôn nhân nhằm đáp ứng yêu cầu tra cứu, sử dụng dữ liệu trong CSDLQGVDC phục vụ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia TTHC.
2.2. Thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình đăng ký trực tuyến và tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh
Căn cứ quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến và yêu cầu của Đề án 06 , Bộ Tư pháp đã xây dựng nội dung tái cấu trúc quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia/Cổng dịch vụ công cấp tỉnh ban hành kèm theo Công văn số 1868/BTP-HTQTCT ngày 08/6/2022.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động đề nghị và đôn đốc các địa phương thực hiện việc tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (ĐKKS ...) trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, không để tình trạng nhập dữ liệu nhiều lần.
2.3. Thực hiện số hóa Sổ hộ tịch
Bên cạnh việc có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện số hóa theo quy định để cập nhật vào CSDLHTĐT , Bộ Tư pháp tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh/thành phố quan tâm bố trí kinh phí, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành có liên quan đẩy nhanh hoạt động số hoá sổ hộ tịch, bảo đảm dữ liệu hộ tịch được số hoá theo đúng thời hạn tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP. 
Về phía địa phương, cơ quan đăng ký hộ tịch đã có nhiều cố gắng khắc phục các hạn chế, khó khăn về nguồn lực để triển khai số hóa dữ liệu. Đến nay, đã có 49/63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch (trong đó 05 địa phương đã hoàn thành), số Sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với trên 40 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào CSDLHTĐT trên 32 triệu dữ liệu; các tỉnh/thành phố còn lại đều đã xây dựng Kế hoạch thực hiện việc số hóa và bước đầu được bố trí kinh phí, một số địa phương thực hiện song song giữa số hóa sổ hộ tịch với nhập dữ liệu hộ tịch trên nền CSDLQGVDC. 
Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai thí điểm quy trình nhập dữ liệu hộ tịch trên nền CSDLQGVDC tại tỉnh Thái Nguyên, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã thống nhất Quy trình thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền CSDLQGVDC (Quy trình số 1292/HTQTCT-QLHC ngày 20/12/2022). Quy trình này hỗ trợ việc nhập dữ liệu từ sổ hộ tịch để đối chiếu, rà soát, làm sạch dữ liệu trong CSDLQGVDC theo yêu cầu của Đề án 06. Hiện tại, có 14 địa phương đang tiến thực hiện việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền CSDLQGVDC theo Quy trình số 1292/HTQTCT-QLHC (trong đó, có một số địa phương thực hiện song song việc số hóa theo quy định của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP và nhập dữ liệu theo Quy trình số 1292/HTQTCT-QLHC).
2.4. Rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa CSDLQGVDC với CSDLHTĐT
Triển khai thực hiện Đề án 06, Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 496/BTP-HTQTCT ngày 22/02/2022 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Công văn số 691/HTQTCT-HT ngày 23/8/2022 gửi Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, chủ động thực hiện rà soát đối chiếu dữ liệu đăng ký khai sinh. 
Bên cạnh đó, thực hiện Kết luận số 86/TB-VPCP ngày 28/3/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 16/3/2022, các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ thông tin) đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an (C06) xây dựng và ban hành Quy trình đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa CSDLQGVDC với CSDLHTĐT (Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC ngày 09/11/2022). Theo đó, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thực hiện việc trích xuất dữ liệu trong CSDLHTĐT (dữ liệu đăng ký hộ tịch mới và dữ liệu đăng ký hộ tịch của các địa phương đã số hóa và chuyển vào CSDLHTĐT) bàn giao cho C06 để rà soát, đối chiếu dữ liệu tương ứng có trong CSDLQGVDC; sau khi thống nhất hướng xử lý với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, C06 sẽ tập hợp và chuyển danh sách chi tiết các trường hợp sai lệch thông tin giữa CSDLQGVDC với CSDLHTĐT để công an cấp xã phối hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, xử lý.
Ở các địa phương, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp , Sở Tư pháp đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan đăng ký hộ tịch chủ động, thường xuyên rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch trong CSDLHTĐT với Sổ đăng ký hộ tịch, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư 01/2022/TT-BTP đối với các trường hợp dữ liệu trong CSDLHT có sai sót, bảo đảm dữ liệu thống nhất. 
2.5. Về thực hiện liên thông đối với nhóm thủ tục hành chính đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp Thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng trên môi trường điện tử
Việc thực hiện liên thông đối với 02 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp Thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng đã được Bộ Tư pháp cụ thể hoá một bước trong Thông tư số 01/2022/TT-BTP, theo hướng xác định trách nhiệm chủ động của các cơ quan có thẩm quyền, người dân chỉ cung cấp thông tin đầu vào trên mạng máy tính (online), sau khi cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh/khai tử, thông qua việc kết nối giữa các CSDL, thông tin đăng ký sẽ được chuyển từ Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung sang các cơ quan đăng ký thường trú, cơ quan bảo hiểm, theo quy định pháp luật chuyên ngành, các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giải quyết và thông báo kết quả cho người dân thông qua tin nhắn, thư điện tử (Điều 3 của Thông tư 01/2022/TT-BTP). 
Bộ Tư pháp đã chủ động đóng góp ý kiến với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an xây dựng và triển khai thực hiện Quy trình liên thông 02 nhóm TTHC trên môi trường điện tử và nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chức năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử khi thực hiện việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử (mới) trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung để chuyển cho Phần mềm dịch vụ công liên thông thực hiện liên thông điện tử đối với 02 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí và triển khai thí điểm tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, bắt đầu từ ngày 10/7/2023, 02 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí đã được thực hiện trên toàn quốc và bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định.
3. Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn một số nhiệm vụ quan trọng khác trong quá trình triển khai Đề án 06/CP còn chưa được thực hiện đầy đủ, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:
3.1. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu
- Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 tại Bộ Tư pháp cũng như tại một số địa phương mặc dù đã được quan tâm đầu tư trang bị, nâng cấp nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu
- Đối với địa phương tuy đã được bố trí kinh phí cho việc thực hiện Đề án nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do việc triển khai còn nhiều lúng túng, chưa có hệ thống, thiếu đồng bộ. 
Việc ứng dụng CNTT, bố trí hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nói chung và các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp nói riêng tại một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. 
3.2. Việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan có liên quan chưa thực sự thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả
- Cơ chế kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch với cơ quan quản lý dữ liệu chuyên ngành khác (như bảo hiểm, thuế, giáo dục...) chưa hình thành; việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC cũng chưa đồng bộ.  
- Thời gian đầu có địa phương còn có cách hiểu chưa đúng về việc thực hiện Đề án 06 trong việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLHTĐT và CSDLQGVDC như: việc thực hiện Đề án 06 làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, đăng ký khai sinh và cấp định danh cá nhân dùng chung hạ tầng cơ sở dữ liệu của Công an...
3.3. Việc triển khai số hóa sổ hộ tịch còn một số hạn chế
- Chưa được quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng, một số địa phương giao cho công chức làm công tác hộ tịch tự thực hiện nhập dữ liệu, do vừa phải làm công việc chuyên môn, vừa thực hiện số hóa nên quá tải, không bảo đảm được tiến độ công việc và bảo đảm được độ chính xác, khách quan của dữ liệu được số hóa. 
- Tại UBND cấp xã, nhất là ở những địa phương kinh tế khó khăn thì công chức tư pháp - hộ tịch chưa được bố trí máy tính riêng để làm việc, đường truyền mạng cũng không ổn định dẫn đến việc số hóa dữ liệu hộ tịch gặp nhiều khó khăn. 
- Một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ số hóa, còn nhầm lẫn giữa số hóa sổ hộ tịch theo quy định của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP với nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền CSDLQGVDC theo quy trình số 1292/HTQTCT-QLHC. 
- Phần mềm/công cụ phục vụ việc số hóa vẫn chưa hoàn thiện: Hệ thống thông tin quản lý đăng ký hộ tịch thường xuyên bị chậm, từ chối truy cập, dữ liệu hiển thị không đầy đủ; một số địa danh hành chính cũ đã được sáp nhập hoặc hiện nay không còn (ví dụ: Bình Lập, Triêm Đức, Bình Chánh, thị xã (nay là thành phố)...), nhưng trong Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử chưa cập nhật bổ sung nên chưa thể xử lý đồng bộ vào cơ sở dữ liệu hộ tịch; một số dữ liệu hộ tịch không thể cập nhật vào Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử do cảnh báo nội dung thông tin đăng ký không đúng; một số dữ liệu khi chuyển từ Phần mềm hộ tịch 158 sang Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung bị báo trùng dữ liệu do công chức tư pháp hộ tịch đã nhập dữ liệu lên Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung để thực hiện thay đổi, cải chính cho người dân…
3.4. Đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung
Theo thống kê của các Sở Tư pháp, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn mỏng  trong khi khối lượng công việc phải đảm nhiệm rất lớn. 
Về trình độ chuyên môn, hiện tại, các địa phương chưa bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch có trình độ chuyên môn phù hợp, cả nước có 18.359 công chức làm công tác hộ tịch (1.251 công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện; 17.108 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã), trong đó: 17.311 người có trình độ từ trung cấp Luật trở lên (chiếm 94,3%), chuyên môn khác 993 công chức (chiếm 5,4%), vẫn còn 22 người (chiếm 0,1%) chưa qua đào tạo. 
3.5. Tình trạng chậm, lỗi cấp số định danh cá nhân, trùng số định danh cá nhân, trường hợp trẻ em có 02 số định danh cá nhân
Việc chậm cấp số định danh cá nhân do hạ tầng của Bộ Tư pháp, Bộ Công an bị quá tải; đường truyền, máy tính của công chức không ổn định; công chức nhập sai dữ liệu dẫn đến phải hủy dữ liệu, cấp lại số định danh. 
Một số trường hợp trẻ em có 02 số định danh cá nhân (trẻ được cấp 01 số trên Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử, nhưng CSDLQGVDC xác nhận một số khác) từ đó ảnh hưởng đến việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân, trong đó có việc xử lý các trường hợp có sai sót liên quan đến số định danh cá nhân các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ thông tin), Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) đã ký Quy chế phối hợp cấp, hủy, cấp lại Số định danh cá nhân cho công dân số 656/QCPH - HTQTCT-CNTT-C06 ngày 01/6/2023. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp, Bộ Công an sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp và hủy số định danh cá nhân theo quy định.
4. Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên, bảo đảm đẩy mạnh, có hiệu quả việc thực hiện Luật Hộ tịch, Đề án 06/CP, tăng cường chất lượng đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm quyền lợi của công dân, một số giải pháp cần sớm được triển khai, gồm:
4.1. Về phía Trung ương 
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch.
- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch. 
- Chú trọng đẩy nhanh việc kết nối CSDLHTĐT với CSDLQGVDC, thường xuyên rà soát, đối chiếu, cập nhật bảo đảm dữ liệu trong CSDLHTĐT thống nhất, đồng bộ với CSDLQGVDC 
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch và lĩnh vực liên quan, cần thiết kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
4.2. Về phía địa phương
- Nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong việc triển khai Đề án 06, đặc biệt trong lĩnh vực hộ tịch. 
- Xác định rõ, việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLHTĐT và CSDLQGVDC được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Điều 10 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP. Việc thực hiện Đề án 06 không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành.  Hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch trong đó có đăng ký khai sinh là nhiệm vụ của ngành Tư pháp, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, hướng dẫn, thực hiện trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. 
- Bố trí ngân sách phù hợp cho công tác hộ tịch, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, nhất là bố trí kinh phí để thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực hộ tịch theo Quyết định số 06/QĐ-TTg.
-  Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đối chiếu bảo đảm dữ liệu hộ tịch chính xác, đầy đủ và được cập nhật đồng bộ sang CSDLQGVDC theo quy định; chú trọng việc phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thống nhất của dữ liệu trong CSDLHTĐT, CSDLQGVDC theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Bộ Công an.
- Tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch (đặc biệt là đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử) được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp. Sau khi thông tin hộ tịch được đăng ký vào Phần mềm, việc điều chỉnh, sửa chữa, huỷ bỏ thông tin, dữ liệu hộ tịch điện tử phải được thực hiện theo quy định pháp luật.
- Chủ động rà soát hạ tầng kỹ thuật trong việc ĐKKS, cấp số định danh cá nhân tại UBND cấp xã; duy trì ổn định việc cung cấp các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là về công nghệ thông tin cho công chức làm công tác hộ tịch, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã, bảo đảm đủ đáp ứng các yêu cầu của công việc, yêu cầu mới của giai đoạn hiện nay.
- Củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan; bảo đảm kết nối, liên thông giữa cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch với các cơ quan khác có liên quan trong quản lý và khai thác các thông tin, dữ liệu hộ tịch.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch; đẩy mạnh công tác truyền thông các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Luật Hộ tịch, Đề án 06/CP. 
- Đẩy nhanh việc số hóa Sổ hộ tịch, bảo đảm lưu trữ đầy đủ dữ liệu của người dân, phục vụ tra cứu, kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện việc cung cấp đăng ký hộ tịch trực tuyến đối với tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú./. 
Đỗ Đình Chuyền - Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực