Nỗ lực để từng quy định pháp luật là một thông điệp văn hóa

08/05/2023
Nỗ lực để từng quy định pháp luật là một thông điệp văn hóa
Cách đây đúng 80 năm, năm 1943, giữa những bộn bề công việc cách mạng, Đảng ta đã có một quyết sách rất đặc biệt - công bố Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Bám sát các chủ trương của Đảng, trong đó có Đề cương về văn hóa Việt Nam, Bộ Tư pháp kể từ thành lập đến nay, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phát triển các nghề tư pháp, bổ trợ tư pháp… luôn được triển khai theo phương châm, tinh thần thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Pháp luật là bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc
Đây là điều hết sức tự nhiên bởi pháp luật là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã quan niệm “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.458).
Chỉ tính từ khi Đảng ta tiến hành đường lối Đổi mới (năm 1986) đến nay, Bộ Tư pháp đã được giao làm cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng hàng chục đạo luật quan trọng, trong đó có những đạo luật mang tính rường cột của nước nhà như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thi hành án dân sự… Bộ, ngành Tư pháp cũng tích cực tham gia xây dựng hệ thống pháp luật thông qua công tác thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phát triển hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý, hành chính tư pháp, bảo đảm đưa các văn bản pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
Điểm nổi bật có thể thấy khi nghiên cứu các đạo luật do Bộ, ngành Tư pháp tham mưu xây dựng là sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” trong từng quy định. Từng bộ luật, luật do Bộ, ngành Tư pháp tham mưu xây dựng đều được quán triệt phương châm “bám sát thực tiễn đất nước” và “xu thế phát triển của thời đại”, kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, qua đó, bảo đảm được tính “dân tộc hóa”, “khoa học hóa” trong thiết kế từng quy phạm.
Để bảo đảm tính đại chúng của từng văn bản pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì tham mưu xây dựng đặt ra yêu cầu chung đối với công tác soạn thảo văn bản, theo đó, quy định của văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm “tính minh bạch”, “ngôn ngữ sử dụng trong văn bản… phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”.

Thấm nhuần tư tưởng tư pháp “ở đời và làm người”
Điểm nổi bật nữa thể hiện tính “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” trong công tác tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ, ngành Tư pháp chính là sự thấm nhuần tư tưởng tư pháp “ở đời và làm người”, nỗ lực “làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Nhờ đó, những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam - chủ thể của nền văn hóa dân tộc Việt Nam như “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” được phản ánh, ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm trong các quy định pháp luật do Bộ, ngành Tư pháp tham mưu xây dựng.
Xuyên suốt các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành chính là sự cổ vũ cho các ứng xử trung thực, trọng tín nghĩa, lên án các hành vi bội tín, thiếu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong xã hội. Bộ luật Dân sự nước ta quy định “cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”.
Xuyên suốt các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành là yêu cầu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, chăm lo, bảo vệ người yếu thế. Theo đó, vợ chồng có “nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”, còn các con “có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”. Ông bà có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu và cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà.
Các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có cơ chế bảo đảm giá trị dân chủ trong xây dựng pháp luật. Theo đó, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến... tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật... Ý kiến tham gia đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản.
Quy định của Bộ luật Hình sự cũng do Bộ Tư pháp chủ trì tham mưu xây dựng vừa thể hiện thái độ lên án và trừng trị nghiêm khắc với các hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích công cộng vừa thể hiện tính nhân đạo khi xử lý người phạm tội là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Chính những quy định ấy đã góp phần khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, đồng thời, đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người.
Từ năm 2013 đến nay, theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ, ngành Tư pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 9/11) nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Cùng với đó, Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật.

Kết
Có thể nói, những nỗ lực của Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Những nỗ lực ấy cũng góp phần bảo đảm mỗi quy định pháp luật là một thông điệp văn hóa tiến bộ, lan tỏa lối sống thượng tôn pháp luật - tiền đề cho việc xây dựng một xã hội có nghĩa, có tình, có kỷ luật, kỷ cương theo những chuẩn mực đạo đức, văn hóa tốt đẹp và trường tồn của dân tộc ta.
 
TS Nguyễn Văn Cương
(Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)