Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật

10/04/2023
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật
Ngày 8/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo "Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật". Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật điều hành Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao, đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính; các chuyên gia, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng Đoàn luật sư TP. Hà Nội...
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, phức tạp, có liên quan chặt chẽ tới nhiều luật khác nhau. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này. Chính phủ đã tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉnh lý bước đầu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước. Các nội dung của dự án Luật nhận được sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhiều ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm, từ khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về đất đai gắn với hoạt động đầu tư kinh doanh cho thấy vẫn còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật liên quan. Đây là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Hội thảo sẽ giúp nhìn nhận rõ ràng, cụ thể những vướng mắc, bất cập trong dự thảo Luật để có những giải pháp hợp lý, chỉnh lý cụ thể, đảm bảo dự thảo Luật đạt chất lượng cao, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, hiệp hội đã đưa ý kiến theo hai nhóm nội dung về tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật thuộc lĩnh vực dân sự, tố tụng dân sự, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng; với các luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đấu giá, tài chính, tín ngưỡng tôn giáo và thực tiễn ở địa phương để thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp phù hợp.
 PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp nhấn mạnh, quan hệ pháp luật đất đai không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai với tư cách là luật chuyên ngành mà còn chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự với tư cách là luật chung và nhiều luật chuyên ngành có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quản lý tài sản công, Luật Kinh doanh bất động sản… Các văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành ở những thời điểm khác nhau, do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng dẫn đến còn nhiều mâu thuẫn, thống nhất và chưa đồng bộ. Khi các luật chuyên ngành không có quy định về một quan hệ dân sự thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng để điều chỉnh. Nhằm khắc phục một số điểm chưa thống nhất, còn vướng mắc, khó khăn trong quy định của Luật Đất đai hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai và phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới, cần đánh giá tổng quan các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính khả thi, ổn định, tính khái quát, hệ thống, tính dự báo và minh bạch trong hệ thống pháp luật.
Một số ý kiến đề nghị, cần cân nhắc việc giữ Điều 28 của dự thảo Luật, quy định theo hướng người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. Bởi, với quy định nêu trên, các điều khoản khác tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về nguyên tắc sẽ phải được điều chỉnh để tạo lên một hệ thống quy định thật chặt chẽ và chi tiết để điều chỉnh quan hệ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất đai từ thời điểm xác lập đến khi chấm dứt. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về nội hàm của quyền sử dụng đất, không điều chỉnh các vấn đề cần thiết khác, chưa phù hợp với nguyên tắc xây dựng pháp luật, đưa quyền sử dụng đất trở thành một tài sản không hoàn hảo ở góc nhìn pháp luật dân sự.
 

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp 
 
Quan tâm đến vấn đề về áp dụng pháp luật, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho biết, chế độ sử dụng đất theo nghĩa rộng bao gồm 4 nội dung: Cơ chế pháp lý về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; Cơ chế pháp lý về điều kiện sử dụng đất; Cơ chế pháp lý về quyền, nghĩa vụ và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; và Cơ chế pháp lý về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất (đăng ký lần đầu và đăng ký biến động). Trong đó, cơ chế pháp lý về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất là những nội dung pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, luật khác có liên quan phải tuân thủ. Tuy nhiên, đối với thực hiện quyền của người sử dụng đất và đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lại là nội dung pháp lý bên cạnh quy định của pháp luật đất đai thì còn chịu sự điều chỉnh và phải căn cứ vào quy định của nhiều luật khác có liên quan.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu, các ý kiến phát biểu đều tâm huyết, thẳng thắn, có trọng tâm, tập trung vào các vấn đề liên quan đến đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, hạn chế chồng chéo, bất cập, qua đó đề xuất hướng để xử lý, đặc biệt đối với những vấn đề mới để quy định trong dự thảo Luật những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc nghiên cứu ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì dự án Luật này tiếp tục thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Thanh Vân