Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

06/04/2023
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Mục tiêu đến năm 2030:
100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số;  phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.
Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền
Nâng cao nhận thức cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật
Rà soát, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí.
Phát triển các sản phẩm báo chí số
Thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả.
Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.
Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.
Phát triển nền tảng số
Xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
Thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến) quốc gia; nền tảng báo chí điện tử.
Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí.
Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực báo chí và thông tin các trình độ của giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; cập nhật các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực báo chí và thông tin trong danh mục thống kê ngành đào tạo đối với giáo dục đại học theo quy định.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỹ năng cơ bản, cần thiết cho chuyển đổi số báo chí.
Tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ đổi mới sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin.
Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Phó Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược.
Chủ trì theo thẩm quyền để xây dựng, sửa đổi, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số báo chí; phối hợp với các bộ, cơ quan trong việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản pháp luật liên quan.
Chủ trì thúc đẩy hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.
Chủ trì thúc đẩy phát triển các nền tảng số hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số, phát triển sản phẩm báo chí số; triển khai các giải pháp hỗ trợ cơ quan báo chí đẩy mạnh chuyển đổi số.
Chủ trì và phối hợp xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; triển khai khảo sát, ghi nhận các mô hình chuyển đổi số báo chí, tối ưu hóa nguồn thu, tăng trưởng doanh thu.
Chủ trì hoặc phối hợp triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực của các cơ quan báo chí, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí.
Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá, tổng hợp hằng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết vào năm 2025 và tổng kết vào năm 2030; đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết.
Xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương cụ thể:
Bộ Tài chính: Bố trí kinh phí thường xuyên theo phân cấp ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Chiến lược, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực báo chí và thông tin các trình độ của giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; Cập nhật các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực báo chí và thông tin trong danh mục thống kê ngành đào tạo đối với giáo dục đại học theo quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
Xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí của bộ, ngành gắn với các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số.
Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí gắn với các chương trình chuyển đổi số của địa phương; bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thuộc địa phương triển khai chuyển đổi số.
Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
 Các cơ quan chủ quản báo chí
 Phê duyệt và chỉ đạo triển khai Kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan báo chí trực thuộc. Tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính cho cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số.
Nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số.